Hà Tĩnh: Di tích Tiên Sơn điểm đến trong lòng du khách

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quần thể di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn ở phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) là điểm đến ưa thích đối với du khách du lịch tâm linh. Bởi ở đó hội tụ gần như tất cả những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của một vùng “địa linh nhân kiệt”

Video: Di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn điểm đến trong lòng du khách

 

Dấu ấn giá trị văn hóa

Sông Mênh êm đềm ôm trọn làng mạc, đồng quê. Núi Tiên Sơn thơ mộng được ví như chốn già lam giữa một vùng cư dân đông đúc. Trải qua bao biến đổi thăng trầm, truyền thống văn hóa làng quê và những di tích, danh thắng nổi tiếng vẫn được gìn giữ, bảo tồn, trở thành niềm tự hào cho hậu thế. 

 Cổng Tam quan di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn  
 Cổng Tam quan di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn  

Nổi bật ở phường Trung Lương có quần thể di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn, nơi có đền Tiên, chùa Tiên, đền thờ Thánh Mẫu, đền thờ bà Chúa Kho và đền thờ Lục vị Thánh tổ nghề, trong đó có Tổ sư nghề rèn. Một vùng sơn thủy hữu tình, thế núi, hình sông “bao quát càn khôn”, chứa đựng nhiều vỉa tầng văn hóa, hiếm nơi nào có được.

Gắn với quần thể di tích lịch sử, văn hóa Tiên Sơn có rất nhiều câu chuyện cảm động cả trong truyền ngôn lẫn chính sử. Đó là ngọn núi Tiên Sơn, tương truyền nơi đây xưa kia vốn là chốn thanh bình, tĩnh lặng, những lúc trăng thanh gió mát, các già tiên râu tóc bạc phơ giáng trần để cùng thưởng trà, đánh cờ và đàm đạo. Núi Tiên Sơn gắn với truyền thuyết ông Đùng, người đắp nên 99 đỉnh non Hồng huyền thoại. 

Di tích Tiên Sơn thu hút rất đông người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái.  
Di tích Tiên Sơn thu hút rất đông người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái.  

Cũng có truyền thuyết, tổ sư nghề rèn là ông Khổng Lồ tức ông Đùng. Ông Đùng ở trên dãy Ngàn Hống thấy dân gian không có đồ dùng để sản xuất, bèn moi đất lấy sắt lên, nhổ cây rừng đốt than, rèn dao, cuốc, phân phát cho mọi nhà. 

Các bậc ông già, bà lão trong làng đến xin cho con cháu theo học nghề, ông Đùng vui lòng truyền dạy. Những người thợ rèn đầu tiên ấy đã lập nên làng rèn Vân Chàng, Minh Lang. Về sau thợ rèn nhớ ơn ông Đùng đã dựng đền thờ ông trên núi Tiên Sơn. Bên cạnh thờ ông  tổ nghề rèn, nơi đây còn thờ tổ nghề dệt, nghề may, nghề mộc, nghề đan lát và nghề kim loại.

Bà Đỗ Thanh Thủy, người có nhiều công lao trong tôn tạo, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa tại di tích Tiên Sơn.  
Bà Đỗ Thanh Thủy, người có nhiều công lao trong tôn tạo, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa tại di tích Tiên Sơn.  

Tại quần thể di tích còn có chùa Tiên Sơn được xây dựng khá bề thế, thu hút đông đảo phật tử đến hương khói, lễ bái. Cạnh chùa Tiên Sơn là đền thờ Bà Chúa Kho. Truyền rằng, Bà Chúa Kho là người giúp dân trồng lúa nước để có cuộc sống ấm no, tài lộc và chăm lo ngân khố, quân lương cho triều đình đánh giặc giữ nước. Đây là đền thờ Bà Chúa Kho duy nhất của dãy đất Miền Trung. Cùng với các hạng mục quan trọng trong quần thể di tích, nơi đây còn có đền thờ Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt và hệ thống cổng Tam quan, giếng Tiên cổ kính.

Điểm đến trong lòng du khách

Quần thể di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn với nhiều hạng mục cổ kính, đăng đối hài hòa, linh thiêng, huyền bí. Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp đã huy động mọi nguồn lực trùng tu, tôn tạo di tích, trở thành điểm đến tham quan, du lịch văn hóa tâm linh rất ý nghĩa của đông đảo người dân và du khách thập phương. 

Đền Tiên gắn với huyền tích các già tiên giáng trần  
Đền Tiên gắn với huyền tích các già tiên giáng trần  

Tại đây, các lễ hội chính như: Lễ tế Lục vị thánh tổ truyền nghề; Lễ húy kỵ Bà Chúa Kho; Đại lễ hội Tiên Sơn với nhiều nghi lễ tín ngưỡng truyền thống, nhất là nghi lễ chầu văn, hầu đồng…được duy trì tổ chức. Qua đó vừa góp phần gìn giữ giá trị, nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, vừa là nơi để các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường tình đoàn kết giữa các địa phương, vùng miền. Các nghi lễ được tổ chức theo nếp sống mới, đảm bảo thuần phong mỹ tục, để lại nhiều tình cảm, dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân, du khách.

 “Đến đây mọi người đều cảm nhận được vẻ đẹp, sự cổ kính, linh thiêng của quần thể di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn. Hoạt động tham quan, chiêm bái thấy tâm hồn thanh thản, gạt bỏ bụi trần để tâm hướng thiện. Việc cầu phúc, cầu may, cầu sức khỏe, tài lộc…đều rất linh ứng”, một du khách đến từ TP Hà Nội chia sẻ.

Di tích Tiên Sơn nơi bảo tồn, gìn giữ nhiều hiện vật quý giá  
Di tích Tiên Sơn nơi bảo tồn, gìn giữ nhiều hiện vật quý giá  

Giữa chốn già lam, núi sông thơ mộng, di tích Tiên Sơn là quần thể có tổ hợp kiến trúc cổ, liên hoàn gồm nhiều hạng mục thờ tự. Năm 2012, cụm di tích Tiên Sơn được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2013, nơi đây được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam chọn làm điểm bảo tồn nghi lễ chầu văn của người Việt. Năm 2015, di tích Tiên Sơn vinh dự đón bằng bảo trợ của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam và  UNESCO thế giới.

Ông Kiều Minh Hùng - Công chức Văn hóa, phường Trung Lương cho biết, di tích tích Tiên Sơn nơi hội tụ nhiều công trình kiến trúc và lưu giữ những giá trị văn hoá tín ngưỡng dân gian độc đáo. Địa phương thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, làm tốt công tác quản lý Nhà nước, công tác xã hội hóa huy động nguồn để tiếp tục tu bổ, tôn tạo các hạng mục bị xuống cấp nhằm đáp ứng với nguyện vọng thiết thực của các tầng lớp Nhân dân và du khách gần xa. 

Di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn cổ kính, linh thiêng, được bảo trợ bởi Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam và UNESCO thế giới.  
Di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn cổ kính, linh thiêng, được bảo trợ bởi Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam và UNESCO thế giới.  

Trao đổi với phóng viên, bà Đỗ Thanh Thủy - Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn cho biết, chúng tôi đã lập đề án, xác định rõ kế hoạch xây dựng các hạng mục công trình kiến trúc tại di tích giai đoạn 2020-2030 gồm: Xây dựng mới chùa Tiên Sơn; xây dựng tháp chuông trên núi Tiên; tổ chức Liên hoan Festival nghi lễ chầu văn 3 miền Bắc - Trung - Nam tại di tích; xây mới đền Lục vị Thánh tổ nghề và mua sắm thêm đồ tế khí, cơ sở vật chất phục vụ lễ hội.

Trải qua hàng trăm năm, cấp ủy, chính quyền các cấp và các thế hệ người dân phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh luôn chung tay gìn giữ, bảo tồn, khơi dậy giá trị quần thể di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn. Qua đó nhân lên niềm tin, niềm tự hào để các thế hệ tiếp tục công đức, đầu tư khai thác xứng tầm điểm du lịch văn hóa tín ngưỡng tâm linh, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần