Theo thống kê của TTYT huyện Hương Khê, từ đầu tháng 9 đến nay toàn huyện có hơn 5.600 ca bệnh đau mắt đỏ ở 21/21 xã, thị trấn; trong đó có khoảng 3.000 ca bệnh là học sinh và giáo viên ở bậc học mầm non, tiểu học và THCS. Nhờ tập trung cao độ, quyết liệt trong công tác tuyên truyền, triển khai kịp thời các phương án điều trị bệnh, hiện nay có khoảng 1.200 ca đã khỏi bệnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, bác sĩ Nguyễn Trường Lâm - Giám đốc TTYT huyện Hương Khê cho biết, TTYT đã đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ theo yêu cầu chuyên môn của ngành Y tế.
“Ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để cán bộ, giáo viên và học sinh nắm được các kiến thức cơ bản về bệnh đau mắt đỏ, từ đó thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Yêu cầu Ban Giám hiệu các trường học theo dõi, lập danh sách giáo viên và học sinh bị bệnh để có phương án điều trị kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu tối đa các biến chứng của bệnh đau mắt đỏ gây ra" -bác sĩ Nguyễn Trường Lâm chia sẻ.
Đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) thường xảy ra khi thời tiết chuyển mùa, nắng nóng kèm theo mưa nhiều, tạo điều kiện cho virus hoặc vi khuẩn phát triển, nhưng phổ biến nhất là virus có tên Adenovirus. Khi bị nhiễm bệnh, người bệnh thường có các biểu hiện như: Đỏ mắt, có dử mắt, chảy nước mắt, có thể có giả mạc. Các biểu hiện khác có thể gặp là hơi sợ ánh sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc. Ngoài các biểu hiện tại mắt, người bệnh có thể bị viêm họng, nổi hạch trước tai và sốt nhẹ…