Được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, đền Gắm vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổ xưa qua hơn 800 năm lịch sử thăng trầm.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, vào năm 1953, khi giặc mở trận càn lớn đánh vào Tiên Lãng nhằm mở rộng và củng cố “vành đai an toàn” của khu cố thủ Hải Phòng, đền Gắm đã trở thành chiến lũy xung yếu, góp phần làm thất bại âm mưu của địch, tạo đà cho chiến tranh du kích ở đồng bằng phát triển.
Trong cuộc chiến đó, các hệ thống công trình kiến trúc của đền bị san phẳng, riêng cung nhà Ngài còn nguyên, giặc đến không dám vào.
Sử sách xưa có ghi, Ngô Lý Tín sinh ngày 20/1/1126 ở trang Vĩnh Đồng, huyện Khoái Châu, trấn Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Hưng Yên, thân phụ là Ngô Huy Hiếu, thân mẫu là Đào Thị Phúc.
Thuở nhỏ, Ngô Lý Tín theo học một thầy đồ nổi tiếng ở Hải Dương. Với tư chất thông minh, chăm chỉ nên ông được thầy yêu bạn quý. Năm ông 18 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời.
Mãn tang cha mẹ, ông tìm đến trang Cẩm Khê, huyện Bình Hà, trấn Hải Dương, nay là thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng mở trường dạy học, luyện tập võ nghệ.
Lúc ấy, thời cuộc nhiễu nhương, giặc cướp nổi lên khắp chốn, lại thêm hạn hán mất mùa, đời sống Nhân dân vô cùng cực khổ, giặc ngoại xâm quấy phá biên thùy, vận mệnh quốc gia "trứng để đầu đẳng".
Vua Lý Anh Tông ban chiếu cầu hiền, Ngô Lý Tín xin ứng mộ, đem theo 30 trai tráng trong trang đi cùng, lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Năm Nhâm Dần 1182, Ngô Lý Tín được phong chức Thượng tướng quân, mang quân thủy bộ dẹp loạn trộm cướp. Năm 1183, ông được cử làm đốc tướng chinh phạt quân Ai Lao xâm lấn biên thùy.
Chiến thắng trở về, ông được nhà vua phong làm Thái phó. Năm 1188, quan Phụ chính đại thần, Thái sư Đỗ An Di mất, triều đình cử Thái phó Ngô Lý Tín làm phụ chính cho vua. Đây là chức quan đứng đầu triều, nắm giữ trọng trách đối với giang sơn đất nước.
Thái phó Ngô Lý Tín qua đời ở tuổi 64. Tương truyền, khi đất nước thanh bình, quan Phụ chính cùng một đoàn thuyền đem theo tướng sĩ, gia nhân trở về thăm lại trang Cẩm Khê xưa. Không may ngang đường đến khúc sông Quán Trang - Văn Úc gặp bão lớn, thuyền chìm, ông và mọi người đều tử nạn. Đó là ngày 9/10 năm Canh Tuất 1190.
Thi hài ông được sóng đánh trôi dạt vào bãi sông trang Cẩm Khê, chính nơi ông mang gươm đi chinh phạt giặc ngoại xâm, dấy quân dẹp hải tặc. Nhân dân thương tiếc đưa ông lên bãi chôn cất tại khu đất ông dựng nhà dạy học ngày xưa (hiện là hậu cung đền Gắm) và lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn vị tướng tài, anh dũng.
Theo quan niệm của người dân địa phương từ xưa đến nay thì chính những nét đặc biệt này đã tạo nên sự linh thiêng cho đền Gắm, khiến người dân trong vùng tôn thờ và bảo vệ.
Năm 1958, đền được người dân địa phương khôi phục, tôn tạo và duy trì cho đến ngày nay. Những năm gần đây, lễ hội đền Gắm được tổ chức, thu hút đông đảo người dân Hải Phòng và du khách đến viếng thăm. Năm 2010, đền Gắm lại tiếp tục được Nhà nước đầu tư để trùng tu, tôn tạo và mở rộng quy mô lên đến gần 2ha nhưng vẫn giữ nguyên nét kiến trúc xưa. Sân đền được mở rộng gấp 4 lần, phía trước có hồ bán nguyệt và đôi rồng phun nước. Đặc biệt, bên trong đền vẫn còn lưu giữ được 4 viên gạch cổ thời Lý dùng để lát trước cửa đền – tượng trưng cho vai trò to lớn của danh tướng Ngô Lý Tín đối với triều đình nhà Lý.