Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hai quốc gia châu Âu đầu tiên bị Nga cắt nguồn cung khí đốt

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom vừa thông báo sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria từ ngày 27/4.

Gazprom thông báo sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria từ ngày 27/4. Ảnh: Tass
Gazprom thông báo sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria từ ngày 27/4. Ảnh: Tass

Theo Reuters, Ba Lan và Bulgaria sẽ là những quốc gia đầu tiên bị nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu cắt nguồn cung kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Động thái cắt nguồn cung cấp cũng nhằm đáp trả lệnh trừng phạt do Warsaw áp đặt đối với các cá nhân và công ty Nga.

Hồi cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank và việc thanh toán cho các khoản nhập khẩu khí đốt của Nga bằng đồng euro hoặc USD sẽ được chuyển đổi thành đồng rúp.

Công ty khí đốt của Ba Lan - PGNiG, có hợp đồng khí đốt với Nga sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Công ty này cho biết sẽ không tuân thủ kế hoạch thanh toán mới và sẽ không gia hạn hợp đồng. Hợp đồng cung cấp khí đốt của Ba Lan với Gazprom là 10,2 tỷ m3 mỗi năm - chiếm khoảng 50% lượng tiêu thụ của nước này.

Bộ khí hậu Ba Lan cho biết, nguồn cung năng lượng của nước này vẫn được đảm bảo và lượng khí đốt đến tay người tiêu dùng sẽ không bị cắt giảm. Theo giới chức Ba Lan, nước này đã lấp đầy được 76% kho dự trữ khí đốt. Tập đoàn PGNiG nhấn mạnh rằng nguồn cung khí đốt cho người tiêu dùng trong thời gian sắp tới sẽ đến từ kho dự trữ và từ các nhà cung cấp khác.  

Ba Lan là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong khi đó, Bộ năng lượng Bulgaria cho biết, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho nước này từ ngày 27/4. Hợp đồng cung cấp khí đốt hiện tại của Gazprom cho Bulgaria dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Bulgaria nhập khoảng 90% lượng khí đốt từ Nga.

Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Jefferies cảnh báo rằng quyết định mới nhất của Gazprom làm gia tăng nguy cơ nhiều nước châu Âu khác sẽ bị Nga dừng hợp đồng cung cấp khí đốt trước thời hạn với sản lượng gần 12 tỷ mét khối.

Tuần trước, Ủy ban châu Âu đã đồng ý cho các công ty EU được thanh toán hợp đồng khí đốt của Nga bằng đồng rúp với điều kiện không vi phạm các lệnh trừng phạt của khối này đối với Moscow.

Một số khách hàng mua khí đốt của Nga đã báo hiệu rằng họ có thể đồng ý với các yêu cầu thanh toán bằng rúp của Moscow. Hôm 25/4, Uniper - nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn của Đức, cho biết có thể thực hiện hình thức thanh toán với nguồn cung nhập từ Nga trong thời gian tới mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây.