Ông Yoon Suk-yeol đưa ra sáng kiến này trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm ngày bán đảo Triều Tiên thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Nhật Bản hồi năm 1945. Thật ra, ngay từ trước đấy, ông Yoon Suk-yeol đã một vài lần đề cập tới chủ ý dùng việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và trợ giúp cho Triều Tiên để khích lệ Triều Tiên chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân.
Tuy nhiên, phải đến dịp nói trên thì ông Yoon Suk-yeol mới cụ thể hóa thêm. Nội dung chính trong đề nghị mời chào nói trên là Hàn Quốc giúp Triều Tiên trong việc đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, trong phát triển cơ sở hạ tầng và hiện đại hóa sân bay, bến cảng cũng như bệnh viện.
Nội dung cụ thể có khác nhau nhưng một số người tiền nhiệm của ông Yoon Suk-yeol đã có cách tiếp cận tương tự cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên và cho mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Người tiền nhiệm trực tiếp của ông Yoon Suk-yeol là ông Moon Jae-in còn đã đi xa được hơn tất cả những người khác trong việc cải thiện quan hệ của Hàn Quốc với Triều Tiên và trong chuyện trung gian hòa giải giữa Triều Tiên và Mỹ. Mọi đề nghị mời chào như thế từ phía Hàn Quốc cho tới nay đều không được phía Triều Tiên đáp ứng thuận lợi bởi chúng chưa đủ để phía Triều Tiên đánh đổi chương trình hạt nhân.
Số phận đề nghị mời chào kia của ông Yoon Suk-yeol rồi cũng sẽ như vậy. Nhưng nó vẫn có tác dụng của nó. Ông Yoon Suk-yeol chủ ý thể hiện thiện chí với phía Triều Tiên, tạo sự cân đối nhất định giữa thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa Hàn Quốc và Mỹ, Nhật Bản với việc duy trì ổn định, ngăn ngừa đột biến và kiềm chế gia tăng căng thẳng trong quan hệ của Hàn Quốc với Triều Tiên, giữ cầu quan hệ với Triều Tiên và tranh thủ dư luận quốc tế.