Để phục vụ Nhân dân sắm Tết và giúp người dân ngoại thành tiếp cận với hàng Việt bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, hằng năm, ngành công thương phối hợp với các DN, các địa phương tổ chức đưa hàng Việt về bán ở các vùng nông thôn.
Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân nông thôn, nhất là trong các dịp lễ, Tết, hằng năm, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành khảo sát, tổ chức các điểm bán hàng phục vụ người dân tại các huyện, thị xã, các khu công nghiệp… Để phong phú hàng hóa sản phẩm, Sở cũng đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh để chủ động nắm nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng đưa nguồn cung về Hà Nội đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong dịp Tết...
Thông qua Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa DN và người dân khu vực nông thôn, mà còn giúp chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt. DN có điều kiện nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng của người Việt Nam, nhất là khu vực nông thôn để điều chỉnh sản xuất, tổ chức kênh phân phối phù hợp, nâng cao thị phần tại thị trường.
Còn về phía người tiêu dùng nông thôn, có điều kiện được tiếp xúc với nhiều loại hình DN, nhiều mặt hàng tiêu dùng phong phú của các DN Việt Nam, từ thực phẩm thiết yếu, hóa mỹ phẩm đến hàng gia dụng, điện tử, nội thất gia đình...
Tuy vậy, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán cũng là thời điểm hàng hóa từ các tuyến về rất nhiều. Ghi nhận các năm từ lực lượng chức năng cho thấy tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra, không tiêu thụ ở TP lớn mà đi về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Do đó, tại các phiên chợ, hội chợ, người dân cần được các DN tư vấn những thông tin cần thiết về sử dụng, bảo quản hàng hóa, cách phân biệt hàng giả... Cơ quan chức năng cần kiểm tra kiểm soát chặt chẽ việc nhập hàng, không để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Tập trung chống hàng giả, hàng lậu. Đảm bảo cân đối cung cầu, kiểm soát giá cả hàng hóa, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về giá, triển khai chương trình bình ổn thị trường, kiểm soát giá.
Ngoài ra, để tăng hiệu quả của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, DN rất cần được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để phát triển điểm bán cố định tại địa phương.
Cùng với đó, bên cạnh việc khuyến khích các DN sản xuất, kinh doanh chủ động thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, UBND một số địa phương tiếp tục thực hiện các phương thức hỗ trợ DN thực hiện BOTT như hỗ trợ lãi suất vốn vay tại các ngân hàng thương mại/tổ chức tín dụng hoặc vay vốn với lãi suất 0%…
Nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán năm nay được đánh giá là tương đối dồi dào, dự báo giá cả có thể tăng nhẹ nhưng với nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu, các bộ, ngành liên quan, DN đang nỗ lực để mang phẩm đạt chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng đến với người dân nông thôn. Giúp người tiêu dùng ở các vùng nông thôn được tiếp cận hàng hóa chất lượng, giá phù hợp.