Hàng hóa Hà Nội “gõ cửa” thị trường Nhật Bản

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa qua, một loạt hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại của Hà Nội cũng được tổ chức, không chỉ góp phần vào thành công chung của chuyến thăm mà còn mở ra những cơ hội mới cho các DN hai nước.

Đặc biệt “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2017” tại siêu thị AEON đã và đang cụ thể hóa cách làm mới của TP trong việc chủ động tìm đến những thị trường tiềm năng như Nhật Bản.
Sẵn sàng đón các sản phẩm Việt

Lần đầu đi tiếp thị sản phẩm tại thị trường Nhật Bản, ông Vũ Đức Hoàn - Giám đốc Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ (TCMN) Việt Nam khi tham gia “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2017” tại siêu thị AEON cho biết: Khách hàng ban đầu còn lạ lẫm vì thương hiệu mới, nhưng do mẫu mã đa dạng nên các sản phẩm của DN nhận được sự yêu thích của người tiêu dùng (NTD). Đại diện Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị thông tin: Mặt hàng nông sản như thanh long, xoài được NTD rất ưa thích bởi chất lượng không thua kém hàng bán tại thị trường Nhật Bản nhưng giá bán rẻ hơn đến 10 lần. NTD bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, ngoài thanh long, xoài, chuối…, thì vải, măng cụt sẽ có mặt tại siêu thị AEON để người Nhật có cơ hội thưởng thức trái cây Việt Nam.
 Người tiêu dùng và DN Nhật Bản tìm hiểu hàng Việt tham gia triển lãm “Tokyo gift show 2016”. Ảnh: Thu Hương
Cùng với mặt hàng nông sản, TCMN, khách hàng Nhật Bản cũng quan tâm đến xuất bản phẩm giới thiệu về Việt Nam. Bà Trần Phương Thảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty sách Thái Hà cho biết: Nhằm quảng bá các điểm du lịch, văn hóa Việt Nam tới người dân Nhật Bản, đơn vị đã mang sang nhiều đầu sách giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa Việt Nam. Thật bất ngờ, nhiều cuốn sách song ngữ Anh - Việt được các bạn Nhật Bản rất quan tâm. Các nhà xuất bản Nhật Bản cũng bày tỏ mong muốn hợp tác lâu dài, sâu rộng hơn với các công ty sách và nhà xuất bản Việt Nam trong việc phát hành sách giới thiệu du lịch, văn hóa của 2 nước; mong muốn được tham gia Mini Book Fair lần thứ II do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức trong năm nay...

Xây dựng hình ảnh ngay từ khi tiếp cận

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho thấy, mặt hàng nông sản, trái cây tươi, rau của Nhật Bản hiện chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu nội địa; diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm nên nhu cầu nhập những mặt hàng này sẽ rất lớn. Tuy nhiên, để hàng nông sản thâm nhập sâu rộng vào thị trường này đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng những quy định chặt chẽ ATVSTP. Hiện, Nhật Bản kiểm soát rất chặt chẽ khâu này và chất lượng sản phẩm nên việc đưa hàng nông sản phải đáp ứng 5 yếu tố: Sạch sẽ, sàng lọc, cắt bỏ những thứ không cần thiết, môi trường trong sạch và để đồ đạc ngăn nắp. Điều đó cho thấy, để XK hàng nông sản vào thị trường Nhật Bản, quy trình trồng, chế biến của DN Việt Nam phải cải thiện từ khâu chọn giống, sản xuất đến bảo quản sau thu hoạch, đóng gói và vận chuyển...
 
Không chỉ có vậy, các sản phẩm khi XK sang thị trường Nhật phải đảm bảo chất lượng tương đương nhau, cũng như mức giá phù hợp và sự chuyển giao hàng đúng thời hạn. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch Hà Nội (HPA) cho biết: Thực tế khảo sát thị trường Nhật Bản cho thấy, giá cả hàng hóa bày bán tại siêu thị AEON tương đương với các cửa hàng bán lẻ. Vì vậy, khi DN khi chào hàng tới các siêu thị không nên ảo tưởng đưa hàng vào siêu thị sẽ được giá cao hơn đưa hàng vào hệ thống cửa hàng bán lẻ.

Chia sẻ về những kinh nghiệm đưa hàng Việt vào thị trường Nhật Bản tại “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2017”, ông Nguyễn Gia Phương - Giám đốc HPA đề cập nhiều đến thói quan của NTD Nhật Bản mà các DN cần quan tâm. “Nhắc đến món ngon Hà Nội, nhiều người nói đến bánh cốm Hàng Than. Trong kỳ tổ chức này, Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh đã mang bánh cốm sang giới thiệu và đã được NTD Nhật Bản đón nhận. Tuy nhiên, người dân Nhật Bản góp ý Công ty không nên sản xuất bánh có kích cỡ phải ăn 2 - 3 miếng mới hết, mà nên sản xuất bánh nhỏ nhắn ăn vừa một miếng, có như vậy là bởi văn hóa ẩm thực Nhật Bản lấy sự tinh tế làm chủ đạo. Ngay cả với mặt hàng TCMN, người Nhật Bản thường có sở thích thay đổi sản phẩm theo thời tiết từng mùa trong năm, với thiết kế có màu sắc hài hòa với thiên nhiên. Chẳng hạn, mùa xuân dùng những sản phẩm mềm mại, màu sắc nhẹ nhàng; mùa hè dùng gam màu mạnh. Con số may mắn là 3, 5, 7, số xui xẻo là 4 và 8. Đặc biệt, tâm lý của người Nhật Bản là không thích màu sắc mang sắc thái tôn giáo và những đồ TCMN có kích thước, trọng lượng quá lớn.
 
Bên cạnh đó, mẫu mã sản phẩm vẫn là một điểm yếu của các DN trong nước. Nhiều DN chỉ chú trọng XK “thô”, dạng nguyên liệu, chưa quan tâm xây dựng thương hiệu riêng, hoặc mẫu mã bao bì còn sơ sài, thiếu thẩm mỹ, nhất là các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, đặc sản vùng, miền...

Mặc dù còn nhiều việc phải làm để tiếp cận thị trường Nhật Bản, nhưng với việc chủ động tìm kiếm thị trường đã và đang thể hiện cách làm mới trong xúc tiến thương mại của Hà Nội trong việc mở ra cơ hội XK cho DN của TP nói riêng và DN trong nước nói chung. Nó không chỉ giúp tạo hiệu quả trong việc tiếp cận những thị trường có nhiều năng, mà còn giúp nâng cao vị thế đầu tàu của kinh tế Thủ đô trong việc hình thành chuỗi liên kết, tạo cơ hội cho hàng hóa, dịch vụ của các DN trong nước gia tăng giá trị XK.
Tuy nhiên, bà Mai Anh cũng khuyến cáo: “Các hệ thống phân phối nước ngoài đòi hỏi rất khắt khe về mẫu mã, bao bì và các thông tin ghi trên đó. Chúng ta có nhiều đặc sản vùng miền ngon, đặc sắc nhưng nếu thiếu cách sản xuất chuyên nghiệp thì dù muốn, các đối tác tiêu thụ nước ngoài cũng không thể đồng ý cho những mặt hàng này vào hệ thống phân phối của họ”. Đơn cử từ thực tế tổ chức “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2017” tại siêu thị AEON cho thấy, mặc dù nhiều sản phẩm của DN Việt Nam được NTD Nhật Bản đón nhận, nhưng để mở rộng thị trường tiêu thụ, DN buộc phải chuyển từ thói quen tới Nhật Bản tìm đối tác mua hàng sang tìm hiểu nhu cầu thị trường, từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp thị hiếu NTD.

"Từ cuối năm 2015, AEON đã tiêu thụ xoài tươi. Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn tiếp tục đưa thanh long, bánh tráng, phở khô, sản phẩm nhựa… của DN Việt Nam lên kệ. Trong thời gian tới, AEON xây dựng một kế hoạch dài hạn để đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị AEON trên toàn thế giới." - Ông Hide Takemi - Trưởng ban Kế hoạch phát triển hàng thực phẩm của Tập đoàn AEON

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần