Hàng hóa sau Tết dồi dào, giá không tăng đột biến

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng năm vào thời điểm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá cả hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tươi sống đều tăng phi mã, nhưng năm nay những mặt hàng này không có biến động lớn về giá. Điều này có được là nhờ các DN đã chủ động chuẩn bị nguồn cung hàng hóa và bình ổn thị trường.

Bình ổn giá
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ngày mùng 6 và 7 Tết (10 - 11/2) tại hệ thống chợ truyền thống như chợ Hôm, Thành Công, Kim Liên, Châu Long... hàng hóa khá phong phú, giá cả ổn định. Cụ thể, thịt lợn thăn 120.000 đồng/kg, sườn: 130.000 đồng/kg, chân giò: 100.000 đồng/kg, nạc vai: 100.000 -110.000 đồng/kg. Tương tự, thịt bò thăn có giá 300.000 - 320.000 đồng/kg trong khi ngày thường là 250.000 - 270.000 đồng/kg; bắp bò 350.000 đồng/kg so với mức 280.000 -290.000 đồng/kg trước Tết... Đáng chú ý là các mặt hàng thủy, hải sản đã hạ giá đáng kể, ngày mùng 3 - 4 Tết, giá tôm sú loại to 650.000 đồng/kg, hiện còn 550.000 đồng/kg, cá trắm 70.000 - 80.000 đồng/kg, cá chép: 70.000 - 75.000 đồng/kg, trong khi vào thời điểm mùng 4 - 5 Tết giá bán dao động từ 85.000 - 110.000 đồng/kg.
 Người tiêu dùng mua hàng sau Tết tại siêu thị Hapro. Ảnh: Lê Nam
Mặc dù các chợ truyền thống và hệ thống siêu thị Qmart, Tmart, Vinmart+, Hapro... đã mở cửa bán hàng từ mùng 4 tháng Giêng nhưng mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn khan hiếm. Đại diện hệ thống siêu thị Vinmart+ cho biết, một vài ngày tới khi nguồn cung đảm bảo thì thực phẩm tươi sống sẽ được bày bán như bình thường.

"Chương trình Bình ổn giá của TP góp phần ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, qua đó giúp thị trường Hà Nội trước, trong và sau những ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi không có biến động lớn." - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Cũng trong dịp Tết Kỷ Hợi, mặc dù nhu cầu tiêu thụ rau xanh tăng đột biến nhưng hiện giá bán mặt hàng này lại giảm nhẹ so với những ngày cận Tết. Tại hệ thống chợ truyền thống, hiện susu có giá 4.000 đồng/kg, so với mức 12.000 đồng/kg sát Tết; su hào: 6.000 đồng/củ, giảm 1.000 đồng; rau muống: 6.000 đồng/mớ, giảm 4.000 đồng; đỗ trạch giảm 5.000 đồng còn 10.000 đồng/kg; bắp cải: 7.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg; cà chua, khoai tây ở mức 10.000 đồng/kg... Tại siêu thị, các mặt hàng rau cũng giảm giá so với thời điểm sát Tết, hiện rau muống 32.600 đồng/kg, cải thảo 19.900 đồng/kg, cải cúc 14.900 đồng/kg, bắp cải giảm từ 15.000 đồng/kg xuống còn 10.000 đồng/kg... Theo các tiểu thương và chủ siêu thị, do hiện nay nguồn cung rau xanh dồi dào nên việc giảm giá là điều tất yếu.

Doanh nghiệp chủ động dự trữ hàng

Đánh giá của Bộ Công Thương, trong dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua, tại các TP lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... sức mua các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng tăng khoảng 15 - 20% so với các tháng thường và tăng khoảng 10 - 12% so với Tết Mậu Tuất. Tuy nhiên, các DN đã dự trữ một lượng hàng hóa lớn, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm Tết, các chương trình giảm giá, khuyến mại, bình ổn thị trường... đã được các DN xúc tiến rộng rãi nên giá cả ổn định. Một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài không nghỉ Tết đã hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân. Trong cơ cấu hàng hóa của các siêu thị chủ yếu là hàng Việt Nam chất lượng cao, có sự tiến bộ vượt trội về mẫu mã so với Tết Nguyên đán Mậu Tuất và các năm trước, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nam cho biết, để đáp ứng nhu cầu hàng thực phẩm an toàn, cao cấp, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, trái cây đặc sản, nhập khẩu ngày càng phát triển mạnh, cùng với các quầy thực phẩm lớn tại các siêu thị như Vinmart, Aeon, Big C, Lotte mart... đã góp phần cung ứng hàng hóa cho thị trường.

Thực tế dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Kỷ Hợi cho thấy mặc dù TP Hà Nội không bố trí vốn đối ứng cho các DN tham gia Chương trình Bình ổn giá của TP Hà Nội như những năm trước, song chương trình đã thu hút 20 DN tham gia dự trữ hàng hóa. Cụ thể, hệ thống siêu thị Vinmart đã dự trữ lượng hàng hóa phục vụ Tết trị giá 800 tỷ đồng tăng 30% so với dịp Tết năm trước. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) dự trữ lượng hàng hóa tăng 5% so với năm trước tập trung vào 18 nhóm hàng hóa thiết yếu. Đồng thời, Hapro đã đưa ra thị trường 6 loại gạo đặc sản Đồng Tháp như Jasmine organic phục vụ người tiêu dùng.

Theo Bộ Công Thương, nguồn cung hàng hóa dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, đủ đáp ứng nhu cầu nên giá các loại hàng hóa trên thị trường trước và sau Tết khá ổn định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần