Bất cập hàng thủy sản xuất khẩu qua EU không đủ tiêu chuẩn vào siêu thị trong nước

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, báo cáo bất cập, vướng mắc, tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thủy sản.

Trong đó, đáng chú ý có bất cập về việc hàng thủy sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu (XK) sang EU nhưng không đủ chuẩn để tiêu thụ nội địa (đưa vào siêu thị) do chênh lệch quy định mức dư lượng tối đa cho phép của kháng sinh Enrofloxacin và Ciprofloxacin giữa quy định của Việt Nam và EU.

VASEP cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, các DN thủy sản đã đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và tiêu thụ hàng thủy sản tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, trong quá trình này, các DN đang gặp vướng mắc.

Chế biến thủy sản xuất khẩu - Ảnh: Giang Lam 

Cụ thể, theo Phụ lục 2, Thông tư 10/2016/TT-BNNPTNT ngày 1/6/2016 của Bộ NN&PTNT thì kháng sinh Enrofloxacin và Ciprofloxacin vào danh mục “Hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản” nhưng chưa quy định ngưỡng giới hạn phân tích tối thiểu (MRPL) đối với các chỉ tiêu này. Trong Thông tư 24/2013- BYT của Bộ Y tế quy định mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc thú y có trong thực phẩm cũng không có quy định đến 2 loại kháng sinh trên.

Trong khi đó, theo quy định của thị trường EU lại cho phép ngưỡng MRL (mức dư lượng tối đa cho phép) đối với Enrofloxacin và Ciprofloxacin trong sản phẩm thủy sản là 100ppb (theo Quy định 37/2010/EC về phân loại các hoạt chất có dược tính và giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRLs) trong các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật của EU ban hành ngày 22/9/2009).

Đồng thời, trong công văn số 79/QLCL-CL1 ngày 12/1/2019 của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) thuộc Bộ NN&PTNT thông báo về việc cập nhật quy định của thị trường EU, ngưỡng MRLs của hai chỉ tiêu kháng sinh này trong sản phẩm thủy sản XK sang EU cũng cho phép ở mức 100ppb.

Điều này đã gây ra bất cập cho DN trong việc sản xuất và kinh doanh thủy sản tại thị trường nội địa. Hiện nay các lô hàng XK vào thị trường EU, một trong những thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt nhất về an toàn thực phẩm (ATTP), đều cho phép ngưỡng phát hiện mức dư lượng nhỏ hơn 100ppb trong khi các siêu thị tại thị trường nội địa thì không chấp nhận do tuân thủ theo quy định tại Thông tư 10/2016/TT-BNNPTNT.

VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT rà soát, xem xét đưa kháng sinh Enrofloxacin, Ciprofloxacin vào danh mục kháng sinh hạn chế sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản nội địa với ngưỡng MRLs tương đương với EU.

Trước đó, năm 2018 và 2019, VASEP cũng đã có các văn bản báo cáo về bất cập này gửi lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương…

Một bất cập khác là các sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thủy sản (đông lạnh, hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền…) vẫn đang thuộc danh mục phải ‘kiểm dịch’ quy định tại các thông tư số 26/2016; 36/2018; 18/2018 của Bộ NN&PTNT.

Theo VASEP, danh mục hàng phải “kiểm dịch” theo quy định tại các thông tư nói trên là rất rộng. Việc này dẫn đến quy mô và số lượng mặt hàng, lô hàng phải “kiểm tra nhập khẩu” hiện nay là rất lớn, là biện pháp quá mức, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, với quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế hiện hành…

Là mối quan ngại lớn khi đây là yếu tố làm giảm đi năng lực cạnh tranh của ngành, của quốc gia, chi phí (thời gian, cơ hội…) là rất lớn, đặc biệt là mấu chốt khiến cho nhiều yêu cầu cải cách của Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã không được thực hiện như mong đợi.

Do vậy, VASEP kiến nghị không đưa hoạt động kiểm tra nhập khẩu các sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm cho người (đông lạnh, hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền…) vào danh mục có tên là “Kiểm dịch” (trừ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh).

Việc nhập khẩu các sản phẩm kể trên để dùng làm thực phẩm đã và đang được Cục Thú y kiểm tra theo các chỉ tiêu ATTP là phù hợp với thông lệ quốc tế và cơ sở khoa học, nên cần được trả lại đúng tên đó là ‘kiểm tra nhà nước’ về ATTP nhập khẩu, không phải là ‘kiểm dịch’…