Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 16/6.
Tại Hội nghị, đại diện cơ quan chức năng, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng trao đổi, thảo luận về các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm địa phương thông qua kênh phân phối trong nước và hệ thống bán lẻ quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dịch Covid-19 tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn có những tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhận thức được điều đó, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trên cả nước đẩy mạnh xúc tiến thương mại hỗ trợ phát triển, tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của địa phương
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua thành phố Hà Nội đã giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP.Hà Nội (HPA) chủ trì phối hợp với các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã triển khai nhiều hoạt động kết nối giao thương, cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh thành.
“Thông qua những hoạt động này, TP.Hà Nội đã hỗ trợ cho doanh nghiệp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ và TP.Hà Nội kết nối với hệ thống phân phối nước ngoài tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy hoạt động đưa hàng Việt ra nước ngoài”- Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Thông tin về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương với hệ thống bán lẻ tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm, Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương cho biết, năm 2022 đơn vị đã tổ chức 172 chương trình xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm như Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam, Chương trình Tự hào nông sản Việt, Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch,…
Đồng thời đẩy mạnh liên kết, hợp tác, kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố và các đối tác nước ngoài, tổ chức quốc tế. Đến nay, HPA đã trở thành một trong những đầu mối kết nối giao thương đưa doanh nghiệp đưa sản phẩm thâm nhập vào một số thị trường quốc tế như Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Anh, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Để đưa hàng hóa vào hệ thống bán lẻ đặc biệt là siêu thị nước ngoài, các doanh nghiệp bán lẻ có chung ý kiến, đơn vị sản xuất cần nghiên cứu thị trường, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng nước sở tại.
Trưởng điều hành miền Bắc Công ty MM Mega Market Việt Nam Nguyễn Anh Phương chia sẻ hiện nhiều thương hiệu Việt Nam xuất khẩu thành công sang Thái Lan, như Mr. Viet (coffee), Bibica, Belvie (Socola), Vifon, Trung Nguyên. Kết quả này cho thấy thị trường Thái Lan cũng không quá khó tính. Điều quan trọng là doanh nghiệp Việt đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người Thái Lan, đồng thời duy trì tốt mối quan hệ hợp tác một cách lâu dài, bền vững với doanh nghiệp bán lẻ"-ông Phương nêu rõ.
Như vậy để đưa hàng hóa vào hệ thống bán lẻ bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng còn đòi hỏi cái “bắt tay” kết nối giao thương giữa doanh nghiệp sản xuất với phân phối bán lẻ