Hành trình 49 năm rất đáng tự hào của Toa xe Sài Gòn
Kinhtedothi - “49 năm qua, không biết bao thế hệ cán bộ, công nhân cha, anh đã không quản nắng, mưa, vất vả, gian khổ, để hôm nay những thế hệ chúng tôi có thể ngẩng cao đầu tự hào “tôi làm ở toa xe Sài Gòn”- Giám đốc Chi nhánh Toa xe Sài Gòn Đào Văn Sơn chia vui.
Ngày 03/5/1975, ba ngày sau khi Giải phóng hoàn toàn miền Nam, đoàn cán bộ ngành Đường sắt từ miền Bắc vào đã nhanh chóng tiếp quản Ty Cơ xa Chí Hòa. Ngày 20/9/1975 Tổng cục Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 53/TC thành lập Đoạn Đầu máy - Toa xe Chí Hòa do Ban chỉ huy Đường sắt Miền Nam Việt Nam trực tiếp quản lý. Quyết định giao ông Huỳnh Văn Tốt làm Đoạn trưởng, ông Nguyễn Thành Long, Bí thư Đảng ủy Đoạn với nhiệm vụ sửa chữa các đầu máy, toa xe của chính quyền Việt Nam Cộng hòa để nhanh chóng đưa ra vận dụng.
Bắt đầu từ 93 lao động
Ngày 14/4/1976, xét thấy gộp chung đầu máy và toa xe trong cùng đơn vị sẽ không tiện cho việc điều hành, quản lý, Tổng cục Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 317/TC tách Đoạn Đầu máy Toa xe Chí Hòa thành 2 đơn vị: “Đoạn Đầu máy Chí Hòa” và “Đoạn Toa xe Chí Hòa”. Đây được coi là ngày thành lập Chi nhánh Toa xe Sài Gòn, tính đến nay đã 49 năm.
Theo nguyên Chánh văn phòng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Phạm Mầu cho biết, thời kỳ đó Đoạn Toa xe Chí Hòa chỉ vẻn vẹn có 93 CB CNV, trong đó có 60 công nhân lao động trực tiếp, sau đó đến tháng 8/1976 nâng lên 205 người, trực tiếp quản lý 02 Trạm Khám xe Sài Gòn và Trạm khám xe Biên Hòa, 7 phòng nghiệp vụ, 3 phân xưởng và 1 đội cứu viện. Nhà xưởng chỉ vài thiết bị cơ khí cũ từ 1960, nằm trong xưởng nhỏ diện tích 3.900m2, năng lực khá hạn chế, 1 tháng chỉ sửa chữa nhỏ 1 toa xe khách và 1,5 toa xe hàng.

Depot Chí Hòa được xây dựng năm 1928 và hoàn thành năm 1932, là nơi chỉnh bị sửa chữa đầu máy, toa xe chuẩn bị cho việc thông tàu xuyên Việt đầu tiên vào năm 1936. Ảnh tư liệu.
Đến tháng 12/1976, do được chi viện từ miền Bắc vào, Đoạn Toa xe Chí Hòa có 328 CB CNV, với 06 phòng tham mưu chức năng và 09 đơn vị trực tiếp sản xuất. Thành tích lớn nhất của cán bộ, công nhân toa xe Sài Gòn lúc ấy là cải tiến hệ thống hãm chân không thành hãm gió ép để thống nhất về kỹ thuật trong cả nước để lập đoàn tàu phục vụ thông xe tuyến Đường sắt Thống nhất đảm bảo tuyệt đối an toàn các mặt theo đúng kế hoạch vào ngày 31/12/1976. Năm 1980, đơn vị vinh dự được Nhà nước tặng thưởng HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG III, trong quá trình phát triển đơn vị đã nhiều lần được nhận các bằng khen, cờ thi đua.
Niềm tự hào của toa xe Việt Nam
Gần nửa thập kỷ phấn đấu và trưởng thành cùng tiếng còi tàu, toa xe Sài Gòn đã nhiều lần, tách nhập, hiện nay có tên gọi Chi nhánh toa xe Sài Gòn nằm trong đội hình Công ty Cổ phần vận tải Đường sắt với 460 lao động (387 lao động trực tiếp) làm việc tại 05 phòng, 05 phân xưởng và 03 trạm.
“Nói đến Chi nhánh toa xe Sài Gòn là người ta nghĩ ngay đến đơn vị có nhiều sáng kiến, sáng tạo áp dụng KHKT vào sản xuất, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn chạy tàu. Năm 2024, Chi nhánh Toa xe Sài Gòn là Đơn vị đổi mới KHCN xuất sắc nhất-Tổng công ty ĐSVN” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải Đường sắt (TRARAVICO) Đào Anh Tuấn tự hào.

Toa xe đoàn tàu Đà Lạt- Trại Mát do thợ toa xe Sài Gòn đóng. Ảnh TA
Giám đốc Chi nhánh Toa xe Sài Gòn Đào Văn Sơn cho biết, tính riêng năm 2024, Chi nhánh đã có tới 27 sáng kiến, được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao, ngoài ra còn hàng chục ý tưởng khác đang hoàn thiện. Đặc biệt các giải pháp, sáng kiến trong công trình chỉnh trang ram tàu SE21/22 và nâng cấp cải tạo toa xe như: Thiết kế, chế tạo giường xoay tầng 2 lắp trên toa xe An khoang chuyển đổi 4 giường hoặc 2 giường; toa xe A56 lắp ghế mềm xoay; cải tiến thiết bị để lắp bồn cầu sứ tích hợp hệ thống Microphor; chế tạo tấm cao su lót cầu giao thông; nghiên cứu, chế tạo lắp ghép thiết bị chống rung lắc cánh cửa phòng khách,…
Chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân, nguyên trợ lý Bộ trưởng GTVT đánh giá đề tài: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và lắp đặt thử nghiệm thiết bị tự động xả gió dừng tàu khi trật bánh trên toa xe khách” (khổ đường 1 m) có giá trị thực tiễn rất cao, có thể tiết kiệm cho đường sắt hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Từ một đơn vị chỉ làm công tác khám, chỉnh bị, sửa chữa nhỏ thì sau gần 50 năm miệt mài, phấn đấu, người thợ toa xe Sài Gòn đã có thể đóng những toa xe có chất lượng ngang ngửa, thậm chí hơn các nước trong khu vực châu Á.

Ghế xoay, đề tài nghiên cứu của các kỹ sư Chi nhánh Toa xe Sài Gòn. Ảnh TA
Được biết, Chi nhánh toa xe Sài Gòn chính là đơn vị đã cải tạo nâng cấp hoán cải 11 xe ghế ngồi cứng 80 chỗ thành toa xe nằm mềm 28 chỗ chất lượng cao, cải tạo 2 toa xe du lịch Đà Lạt- Trại Mát, 29 xe khách, 2 xe HL ram SE21/22 và vừa hoàn thiện sửa chữa lớn 2 toa VIP, 16 toa xe A56 cho tàu du lịch Hà Nội-Hải Phòng. Tất cả sản phẩm của người thợ toa xe Sài Gòn đều đạt đẳng cấp “sang, xịn, mịn” đến từng chi tiết nhỏ. Hiện đường sắt có 2 nhà máy công nghiệp (Gia Lâm, Dĩ An) và 4 chi nhánh toa xe, thì chính người trong ngành đều phải thừa nhận, chất lượng toa xe do người thợ toa xe Sài Gòn đóng đang là hình mẫu để các đơn vị học tập.
Năm 2024, Toa xe Sài Gòn hoàn toàn xứng đáng được Tổng công ty ĐSVN đề nghị được nhận Cờ thi đua của Chính phủ, khi đoàn tàu đã đi đúng hướng thì sẽ nhanh chóng về đến đích.
Đường sắt đô thị Hà Nội: chủ lực trong phát triển giao thông xanh
Kinhtedothi - Trong quý I/2025 đường sắt đô thị Hà Nội đã vận hành tuyệt đối an toàn 39.070 lượt tàu, phục vụ 4,78 triệu lượt hành khách, tăng 13,3%. Với sự tăng trưởng vượt bậc, Hà Nội xác định đường sắt đô thị sẽ là phương tiện chủ lực hướng tới mục tiêu phát triển giao thông xanh.

Dự án đường sắt kết nối Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có ý nghĩa chiến lược
Kinhtedothi- Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có ý nghĩa chiến lược trong việc hình thành mạng lưới vận tải đường sắt ở phía Bắc, chạy theo hành lang Đông - Tây, nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng - một trong những trung tâm hàng hải lớn nhất Việt Nam.

Đường sắt và khát vọng Thống Nhất
Kinhtedothi- Sau khi miền Nam được giải phóng vào năm 1975, đường sắt và đường biển vinh dự được gắn tên Thống Nhất lên phương tiện. 30/4 năm nay, sự kiện này được tái hiện trong sự chờ đón của hàng triệu người.