Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hậu Covid-19 sẽ có cách mạng về phương thức làm việc?

Hoài Phương (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Môi trường làm việc kết hợp trực tuyến (online) cùng trực tiếp (offline), đồng nghiệp là người máy hay đi làm 4 ngày/tuần, Covid-19 không chỉ thay đổi mà còn khiến chúng ta phải nhìn nhận và suy nghĩ lại về cách thức làm việc trong thời đại này.

Giảm bớt tương tác giữa người với người
Các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội trên nhiều quốc gia suốt hơn 14 tháng qua đã buộc nhiều người phải làm việc tại nhà, khiến các chuyến công tác và họp trực tiếp ít nhiều rơi vào bế tắc. Giờ đây, khi các nơi làm việc trên khắp thế giới dần mở cửa trở lại, trạng thái bình thường cũ có còn phù hợp?
Họp online do phải giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19. Ảnh: Council of Europe
Một số DN đang áp dụng cấu hình văn phòng kết hợp tại nhà, cho phép người lao động linh hoạt hơn và giảm thời gian đi làm. Trong khi số khác dùng lịch làm việc 4 ngày/tuần - được cho là khá thành công khi năng suất làm việc tăng đối với 2/3 DN đã áp dụng.
Sự chuyển dịch sang tự động hóa cũng được thúc đẩy vì giúp giảm bớt tương tác giữa người với người, cũng như giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Theo thống kê từ ZipRecruiters, lượng quảng cáo việc làm với tần suất 4 ngày một tuần đã tăng gấp 3 lần trong 3 năm qua. Trong khi đó, 64% đơn đặt hàng robot của Mỹ đã tăng vọt trong quý IV/2020 so với cùng kỳ năm trước đó. 50% nhân viên Facebook có thể làm việc tại nhà trong thập kỷ tới.
Tại sao cần thay đổi?
Thay đổi cách làm việc sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường lao động, giá bất động sản, cổ phiếu công nghệ, hệ thống giao thông, phúc lợi cá nhân và vô số thứ khác.
Ví dụ, nếu áp dụng hình thức làm việc từ xa vĩnh viễn sẽ có thể cải thiện bảng cân đối kế toán của các DN (do cần ít diện tích văn phòng hơn), đồng thời định hình lại thành phố chúng ta đang sống (muốn thêm không gian cho gia đình thì có thể chuyển đến vùng ngoại ô hoặc nông thôn). Xóa mờ các rào cản giữa nhà và nơi làm việc giúp người đi làm linh hoạt hơn trong sắp xếp thời gian và công việc. Nghiên cứu cho thấy, làm việc tại nhà có thể kéo dài ngày làm việc và mang lại năng suất tốt hơn.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều xoay quanh cách thức làm việc tại nhà. Giám đốc điều hành của Goldman Sachs, David Solomon, đã gọi đó là “sự lầm lạc” và “không bình thường”, trong khi Mark Zuckerberg coi đây là một phương án lâu dài cho nhiều nhân viên của Facebook.
Ngay bây giờ, nếu các văn phòng quay lại làm việc bình thường, có vẻ như nhịp sống của chúng ta sẽ trở lại như trước, mặc dù một số tính năng nhất định như tự động hóa vẫn có triển vọng phát triển. Nhưng cuộc khủng hoảng Covid-19 càng kéo dài, nhân viên văn phòng càng cảm thấy thoải mái hơn và tự do làm việc theo cách riêng của họ. Hiện tại, "cuộc thử nghiệm" làm việc tại nhà đang diễn ra rất suôn sẻ trên toàn cầu.