Palestine hết kiên nhẫn
Phát biểu trên kênh truyền hình Al-Jazeera, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 19/5 tuyên bố, nước này sẽ rút khỏi tất cả thỏa thuận đã ký với Israel và Mỹ, do ý định của Israel sáp nhập những khu định cư chiếm đóng trái phép ở Bờ Tây. Quyết định có hiệu lực ngay lập tức, hiện thực hóa cảnh báo mà ông Abbas đã đưa ra cách đây vài tháng, ngay sau khi Mỹ công bố bản Kế hoạch Hòa bình Trung Đông - “Thỏa thuận thế kỷ” theo cách gọi của Nhà Trắng.
Dù không đề cập trực tiếp song những thỏa thuận mà ông Abbas ngầm nhắc tới được cho là bao gồm một loạt văn kiện được ký trong những năm 1990 trong quá trình giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine. Trong đó có Hiệp định Oslo năm 1993, Nghị định thư Hebron năm 1997 và Bản ghi nhớ sông Wye năm 1998, vốn thiết lập tạm thời các giới hạn an ninh giữa hai bên ở Bờ Tây. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Palestine cũng nhấn mạnh, nước này vẫn quyết tâm tham gia các tổ chức và thể chế quốc tế, cũng như sẵn sàng giải quyết xung đột với Israel trên cơ sở giải pháp 2 nhà nước.
Được ký vào năm 1993 giữa người Israel và người Palestine, Hiệp định Oslo đã chỉ định một Chính phủ Palestine tạm thời - chính quyền Palestine - với điều kiện từ bỏ cuộc đấu tranh vũ trang chống lại Israel, để rồi 5 năm sau đó trở thành giới điều hành hợp pháp của một nhà nước Palestine. Điều này về cơ bản là sự hợp tác đặc biệt hiệu quả giữa quân đội Israel và lực lượng an ninh Palestine, liên quan đến sự di chuyển của người và hàng hóa, cũng như cho phép việc trao đổi thông tin.
Thực tế trong vài năm trở lại đây, Israel đã đẩy nhanh các hoạt động xây dựng khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, dù hoạt động này của Tel Aviv bị coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế và đây cũng là một trong những trở ngại lớn đối với tiến trình hòa đàm giữa Palestine và Israel kể từ năm 2014. Trong hơn 3 năm qua, có trên 22.000 căn nhà tái định cư đã được Israel phê duyệt xây dựng tại Khu C và Đông Jerusalem. Theo số liệu chính thức của Israel, dân số nước này tại các khu định cư ở Bờ Tây đã tăng 50% trong thập niên vừa qua, bao gồm hơn 450.000 người Israel đang sinh sống tại các khu định cư ở Bờ Tây và khoảng 200.000 người ở Đông Jerusalem.
Đỉnh điểm hôm 17/5, phát biểu trước Quốc hội Israel trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ liên minh mới được thành lập, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố “đã đến lúc sáp nhập các vùng đất ở Bờ Tây”, dẫn đến loạt phản ứng cảnh báo của quốc tế từ Liên Hợp quốc, Liên minh châu Âu… Và theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa ông Netanyahu và đối thủ Benny Gantz, ngay đầu tháng 7 tới, chính phủ nước này sẽ công bố chiến lược nhằm cụ thể hóa Thỏa thuận thế kỷ của Mỹ, tiến tới cho phép Israel sáp nhập thung lũng Jordan và các khu định cư ở Bờ Tây. Rõ ràng, khi được Washington “bật đèn xanh”, Israel ngày càng thể hiện rõ tham vọng vô lý, khiến người Palestine không còn kiên nhẫn để tin vào Mỹ, với vai trò là trung gian hòa giải được nữa.
Vị kỷ hơn thế kỷ
Điểm mấu chốt trong khía cạnh chính trị trong Thỏa thuận thế kỷ dày 80 trang của Nhà Trắng là giải pháp 2 nhà nước cho Israel và Palestine, trong đó một nhà nước Palestine có thủ đô sẽ được thành lập từ một số khu vực ở Đông Jerusalem. Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, điều này chỉ được thực hiện một khi nhà nước Palestine tương lai cam kết “phi quân sự hóa” và công nhận chủ quyền của Israel đối với các khu định cư được xây dựng trên lãnh thổ chiếm đóng. Ông chủ Nhà Trắng cũng vẽ ra một viễn cảnh về “bình minh mới”, với khoản đầu tư 50 tỷ USD nhằm khôi phục nền kinh tế của Palestine.
Như vậy, quan điểm của chính quyền ông Trump là đưa ra một sự dàn xếp hướng tới sự công bằng và ổn định cho 2 nhà nước độc lập trong tương lai. Nhưng dường như kế hoạch này không giải quyết được những yêu cầu chính yếu của Palestine, những người luôn kiên định rằng sẽ không “bán đất”. Qua thời gian, sự hiện diện của người Palestine ở các phần lãnh thổ Israel - Palestine hiện nay đã ngày càng thu hẹp, và người Palestine - gồm tổ chức vũ trang Hồi giáo Hamas - không chấp nhận sự phân chia như hiện tại sau cuộc chiến năm 1948 và “cuộc chiến 6 ngày” năm 1967.
Thêm vào đó, những người Palestine tị nạn, mất nơi ở sau năm 1948, sẽ không được quay về nhà. Nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là Jerusalem - thánh địa của người Palestine và biểu tượng cho chủ quyền của một nhà nước Palestine độc lập - lại bị Nhà Trắng ấn định là “thủ đô không thể tách rời của Israel”. Tóm lại, theo Thỏa thuận thế kỷ, những gì Palestine mất đi sẽ vĩnh viễn mất đi.
Ngay từ ban đầu, Kế hoạch Hòa bình Trung Đông, mà tác giả chính là con rể của Tổng thống Trump, được thiết kế nhằm phục vụ mục tiêu tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Nó lại được công bố vội vàng, rời rạc trong bối cảnh ông Trump vướng vào tiến trình luận tội, do đó kế hoạch này được cho là nhằm ít nhiều đánh lạc hướng dư luận khỏi bê bối lúc bấy giờ của Tổng thống Trump, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái đang nắm tiềm lực tài chính và tầm ảnh hưởng chính trị lớn ở nước Mỹ.
Giới chuyên gia đánh giá, vì những toan tính vị kỷ riêng, Washington từ vai trò trung gian đã tiến quá xa về hướng thiên vị Israel. Lập trường này khiến Mỹ khó nối lại quan hệ bình thường với Palestine - nhân tố then chốt trong triển khai Thỏa thuận thế kỷ của ông Trump, trong khi đảo ngược kế hoạch sẽ đồng nghĩa với kéo lùi quan hệ với đồng minh chiến lược Israel. Bên cạnh đó, kế hoạch như vậy chắc chắn còn đối mặt với phản ứng từ thế giới Ả Rập, đặc biệt là Saudi Ả Rập - đồng minh thân cận của chính quyền ông Trump.
Kế hoạch Hòa bình Trung Đông của Mỹ cũng được xem là “món quà” đúng thời điểm cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, khi không chỉ mang lại nhiều điều khoản có lợi cho Tel Aviv, mà đồng thời cũng củng cố vị thế của đương kim Thủ tướng trước những sóng gió chính trường trong nước. Đặc biệt trong bối cảnh đang phải hầu tòa cho cuộc điều tra tham nhũng chưa từng có với một thủ tướng đương nhiệm, ông Netanyahu hiển nhiên càng cần tập trung vào quyết tâm “thôn tính” Bờ Tây hơn bao giờ hết.
Đặt niềm tin vào Nga?
Theo Tổng thống Abbas, Palestine luôn sẵn sàng quay trở lại tham gia các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột giữa Palestine và Israel với sự hòa giải của một bên thứ ba, nhưng đó không phải là Mỹ, mà là Nga. Ông cũng đã gửi thư cho Tổng thống Vladimir Putin, đề nghị nhà lãnh đạo Nga triệu tập Hội nghị Hòa bình Quốc tế ở Moscow để thảo luận về vấn đề hòa bình Trung Đông và cuộc xung đột giữa Israel - Palestine.
Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov khẳng định Nga luôn sẵn sàng đứng ra tổ chức cuộc gặp trực tiếp cho Tổng thống Palestine và Thủ tướng Israel. Thứ trưởng Bogdanov cũng lưu ý, cần phải tập hợp “Bộ tứ Trung Đông” - gồm Nga, Mỹ, EU và Liên Hợp quốc - với mục tiêu giải quyết hòa bình cuộc xung đột Ả Rập - Israel, tạo ra cơ chế mới cho các cuộc đàm phán giữa người Israel và người Palestine để chấm dứt cuộc đối đầu trên cơ sở giải pháp 2 nhà nước.
Ngay từ ban đầu, Kế hoạch Hòa bình Trung Đông, mà tác giả chính là con rể của Tổng thống Trump, được thiết kế nhằm phục vụ mục tiêu tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump. |