Trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin RT ngày 3/3, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về lâu dài đối với thế giới.
"Xu hướng mở cửa và tự do hóa thương mại thế giới đã bị tổn hại nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Hậu quả này không chỉ kéo dài trong 1 năm mà nó sẽ ảnh hưởng lâu dài đối với thương mại toàn cầu” - Tass dẫn phát biểu của Bộ trưởng Siluanov.
Theo ông, các biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại cho cả Nga và các quốc gia phương Tây, cũng như thương mại toàn cầu nói chung.
Người đứng đầu Bộ Tài chính Nga nêu rõ: "Trước tiên, do ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận, tài sản của Nga ở nước ngoài, gồm dự trữ vàng, ngoại tệ và tài sản bị đóng băng. Điều này làm giảm niềm tin vào các cơ chế thanh toán và ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu của Nga”.
Theo Bộ trưởng Siluanov, Nga cần phát triển một hệ thống tài chính linh hoạt nhằm hạn chế tối đa tác động từ các biện pháp hạn chế của những quốc gia không thân thiện.
Trong một diễn biến liên quan, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina, hôm 2/3 nói rằng các lệnh trừng phạt mới nhất của phương Tây sẽ không gây sốc đối với hệ thống ngân hàng của nước này. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã áp các biện pháp trừng phạt mới đối với 14 ngân hàng Nga vào dịp 1 năm Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine (tháng 2/2023). Hiện tổng số ngân hàng Nga bị phương Tây đưa vào danh sách đen lên đến 31, bao gồm cả Sber - ngân hàng lớn nhất nước này.
EU thay đổi chiến thuật trừng phạt Nga
Tờ Politico hôm 2/3 đưa tin EU sẽ tập trung thực thi các biện pháp hiện có thay vì áp biện pháp trừng phạt mới đối với Nga trong bối cảnh Brussels phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các thành viên của liên minh.
Politico trích dẫn ý kiến của các nhà ngoại giao từ hàng chục quốc gia thành viên EU cho hay mục tiêu cho các biện pháp trừng phạt mới đã cạn kiệt, khiến các vòng đàm phán càng trở nên phức tạp. Trong khi đó, trừng phạt các lĩnh vực còn lại sẽ gây tổn hại cho EU nhiều hơn cho Nga.
David O'Sullivan - tân đặc phái viên EU về việc thực hiện các biện pháp trừng phạt - cho biết 10 gói trừng phạt Nga của EU cực kỳ hiệu quả, cho rằng EU phải tập trung thực thi hiệu quả các biện pháp này.
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây tỏ ra kém hiệu quả hơn so với dự kiến của EU, do giá trị xuất khẩu của Nga sang khối này tăng vọt vào năm 2022 do giá năng lượng và nguyên liệu thô tăng chóng mặt.
Theo Ngân hàng Goldman Sachs, doanh thu từ dầu mỏ của Nga trong năm 2022 cao hơn nhiều so với báo cáo, do các nhà nhập khẩu dầu thô ngày càng trả nhiều tiền hơn cho mặt hàng này so với giá niêm yết, nhằm giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bất chấp lệnh cấm sâu rộng đối với phụ tùng máy bay, hãng hàng không nhà nước Aeroflot của Nga vẫn tiếp tục bay với các máy bay được sửa chữa và bảo dưỡng ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo Politico.
Đồng thời, EU vẫn phụ thuộc vào một số lượng lớn hàng hóa của Nga, như phân bón để kiểm soát giá lương thực toàn cầu, kim loại đất hiếm được sử dụng trong sản xuất ôtô, đồng vị phóng xạ được sử dụng trong ngành dược phẩm, thanh uranium làm giàu và các thành phần khác cho lĩnh vực hạt nhân, titan được sử dụng trong sản xuất máy bay và các nguyên liệu thô thiết yếu khác.
Bản thân EU đã để lại những kẽ hở cho việc trốn tránh các biện pháp trừng phạt của chính mình, đặc biệt là bằng cách miễn trừ cho Bulgaria, Slovakia và Hungary khỏi lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga.
Theo các phương tiện truyền thông khác, một số quốc gia châu Âu đã thay thế nhập khẩu dầu thô trực tiếp của Nga bằng nguồn cung cấp từ các nhà máy lọc dầu do Moscow cung cấp ở một nước thứ ba.