Hé lộ động cơ của nghi phạm ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi  - Cảnh sát Nhật Bản cho biết, nghi phạm Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, phủ nhận việc tiến hành tấn công cựu Thủ tướng Shinzo Abe vì phản đối niềm tin chính trị của chính trị gia này.

Nghi phạm sát hại cựu Thủ tướng Abe được xác định là Tetsuya Yamagami, 41 tuổi. Ảnh: Kyodo
Nghi phạm sát hại cựu Thủ tướng Abe được xác định là Tetsuya Yamagami, 41 tuổi. Ảnh: Kyodo

Theo hãng tin AFP, cảnh sát hôm 8/7 đã thẩm vấn nghi phạm Tetsuya Yamagami, 41 tuổi. Đối tượng này cho biết có mối thù hận với một "tổ chức cụ thể", có thể là một tổ chức tôn giáo, mà y cho là có liên quan đến cựu Thủ tướng Abe. Tuy nhiên, nghi phạm Yamagami phủ nhận việc tiến hành tấn công vì phản đối niềm tin chính trị của ông Abe.

Các nguồn tin điều tra cho biết Yamagami đã khai nhận với cảnh sát rằng ban đầu y dự định tấn công một lãnh đạo tôn giáo.

Theo cảnh sát Nhật Bản, Yamagami đã sử dụng một khẩu súng tự chế bắn cựu Thủ tướng Abe từ phía sau khi ông đang có bài phát biểu vận động tranh cử cho một ứng cử viên của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở thành phố Nara vào ngày 8/7. Khám xét nhà của đối tượng hôm thứ Sáu, cảnh sát đã tìm thấy nhiều vật dụng được cho là chất nổ và súng tự chế.

Yamagami làm việc tại một nhà máy ở vùng Kansai từ khoảng mùa Thu năm 2020, song đã nghỉ việc vào tháng 5 vừa qua. Đối tượng này từng phục vụ cho Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản trong 3 năm và hiện đang cư trú tại thành phố Nara.

Ngày 9/7, Nhật Bản tổ chức quốc tang tưởng niệm cựu Thủ tướng Shinzo Abe.

Người dân xếp hàng  đặt hoa tưởng niệm ông Abe gần nơi ông bị ám sát khi đang có bài phát biểu ở thành phố Nara.  Ảnh: Reuters
Người dân xếp hàng  đặt hoa tưởng niệm ông Abe gần nơi ông bị ám sát khi đang có bài phát biểu ở thành phố Nara.  Ảnh: Reuters

Trước đó, từ tối ngày 8/7, rất đông người dân Nhật Bản đã đến đặt hoa và cầu nguyện cho ông Abe, vị thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản và là chính trị gia đóng góp nhiều cho đất nước.

Ngày 9/7, rất nhiều người dân Nhật Bản đến đặt hoa tưởng niệm gần nơi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát ở thành phố Nara một ngày trước đó. Ảnh: Kyodo
Ngày 9/7, rất nhiều người dân Nhật Bản đến đặt hoa tưởng niệm gần nơi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát ở thành phố Nara một ngày trước đó. Ảnh: Kyodo

"Tôi rất sốc trước tin ông Abe bị ám sát, tôi phải đến để cầu nguyện cho ông" - Sachie Nagafuji, 54 tuổi, một người dân Nara cùng con trai cho biết khi đến đặt hoa tưởng niệm cố Thủ tướng Nhật Bản hôm 9/7.

Sáng sớm ngày 9/7, xe chở thi thể của cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã rời bệnh viện ở Nara, nơi ông qua đời và về thủ đô Tokyo trong ngày. Phu nhân Akie Abe cũng đi cùng đoàn xe đưa thi thể cố thủ tướng về Tokyo.

Xe chở thi thể cựu thủ tướng rời bệnh viện Nara ở Kashihara đến tư gia của ông ở Tokyo ngày 9/7. Ảnh: Reuter
Xe chở thi thể cựu thủ tướng rời bệnh viện Nara ở Kashihara đến tư gia của ông ở Tokyo ngày 9/7. Ảnh: Reuter

Ông Abe bị bắn 2 phát vào lúc 11h30 ngày 8/7 tại một sự kiện ở tỉnh Nara, Nhật Bản. Sau thời gian tỉnh táo ban đầu, ông bị ngừng tim hô hấp, bất tỉnh và không có dấu hiệu sinh tồn.

Bệnh viện Đại học Nara cho biết ông Abe bị thương ở tim cùng hai vết thương ở cổ, khiến ông mất máu nặng. Các bác sĩ cho biết ông Abe được đưa vào bệnh viện ở Nara trong tình trạng mất máu, ngừng thở, tim dừng hoạt động. Cựu thủ tướng Abe được xác nhận tử vong hôm 8/7 sau thời gian nhận truyền máu liên tục. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo của Nhật Bản - dù còn tại vị hay đã nghỉ hưu - bị ám sát kể từ thập niên 1930.

Mọi chuyện càng gây sốc hơn khi Nhật Bản có luật kiểm soát nghiêm ngặt về súng và tỷ lệ tội phạm bạo lực thấp.

Thủ tướng Fumio Kishida đã mô tả vụ ám sát là một "hành động man rợ" và "hoàn toàn không thể tha thứ".

Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi lời chia buồn cựu Thủ tướng Shinzo Abe từ trần với Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ  Tomita Koji hôm 8/7. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi lời chia buồn cựu Thủ tướng Shinzo Abe từ trần với Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ  Tomita Koji hôm 8/7. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Kyodo, tại cuộc điện đàm ngày 9/7, Tổng thống Biden đã gửi lời chia buồn tới Chính phủ, nhân dân và gia đình trước việc cựu Thủ tướng Abe qua đời do bị tấn công trong lúc vận động tranh cử trước đó 1 ngày.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Kishida cho biết ông đã khẳng định với Tổng thống Biden rằng Tokyo sẵn sàng bảo vệ nền dân chủ và không nhượng bộ với bạo lực. 

Nhà Trắng dẫn lời Tổng thống Biden nhấn mạnh người dân Mỹ sẽ sát cánh cùng đồng minh châu Á trong thời khắc đau thương. Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về cách thức bảo vệ di sản của cựu Thủ tướng Abe. Tổng thống Biden đã ra lệnh treo cờ rủ tại Nhà Trắng và các tòa nhà liên bang khác cũng như cơ sở quân sự đến hết ngày 10/7 như một sự tôn trọng đối với cựu Thủ tướng Abe. 

Các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới cũng đã gửi lời chia buồn trước sự ra đi đột ngột của cựu Thủ tướng Abe Shinzo.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ cựu Thủ tướng Abe.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng cho biết cá nhân ông "bị sốc" và rất đau buồn trước vụ việc trên. Theo ông, "thế giới đã mất đi 1 người có tầm nhìn lớn, trong khi Canada đã mất đi một người bạn thân cận".

Nữ hoàng Anh Elizabeth II cũng đã bày tỏ sự đau buồn sâu sắc, đồng thời khẳng định "tình yêu của cựu Thủ tướng Abe dành cho đất nước Nhật Bản và mong muốn xây dựng mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn với Vương quốc Anh là rất rõ ràng.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chỉ trích vụ ám sát ông Abe là "hành động không thể chấp nhận được", trong khi đó Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản ca ngợi "đóng góp của Abe trong việc cải thiện và phát triển quan hệ song phương”.