Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc quy định, Đảng Cộng sản Trung Quốc lấy chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng Ba đại diện, quan niệm phát triển khoa học làm kim chỉ nam hoạt động. Lần này, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 quyết định đưa tư tưởng Tập Cận Bình về xây dựng Chủ nghĩa xã hội (CNXH) đặc sắc Trung Quốc vào Điều lệ Đảng.
Việc đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào điều lệ Đảng cho thấy, vị thế của ông Tập đã sánh ngang với Mao Trạch Đông. Đồng thời khẳng định, ông Tập Cận Bình trở thành hạt nhân trung tâm lãnh đạo của Trung Quốc.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an, tư tưởng Tập Cận Bình là tư tưởng mới, hiện đại. Tư tưởng Mao Trạch Đông chỉ đúng với thời kỳ giành độc lập, lý luận Đặng Tiểu Bình là cho thời kỳ cải cách mở cửa.
Nội hàm tư tưởng Tập Cận Bình về xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc thực chất là sự quật khởi của Trung Quốc, chấn hưng Trung Hoa, hiện thực hóa giấc mộng Trung Hoa.
Khi được đưa vào Điều lệ Đảng thì các thế hệ lãnh đạo tiếp theo cũng không thay đổi được giá trị của tư tưởng Tập Cận Bình và tư tưởng này sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung Quốc ít nhất là 30 - 40 năm tiếp theo chứ không chỉ một nhiệm kỳ, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.
Bình luận về tư tưởng Tập Cận Bình, tờ New York Times lưu ý, một cụm từ then chốt được ông Tập Cận Bình đề cập đến trong báo cáo chính trị là "kỷ nguyên mới" - tổng cộng ông đã dùng 36 lần.
Ông Tập Cận Bình đã miêu tả lịch sử Trung Quốc từ năm 1949 đến nay chia thành 2 thời đại: 30 năm sau khi lãnh tụ Mao Trạch Đông giải phóng Trung Quốc và 30 năm sau khi ông Đặng Tiểu Bình nắm quyền (năm 1978) và tập trung vào việc phát triển kinh tế.
Cụm từ “kỷ nguyên mới” cho thấy, ông Tập Cận Bình báo hiệu, ông đang đưa Trung Quốc vào một kỷ nguyên mới thứ 3. Nếu nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông giúp Trung Quốc độc lập, ông Đặng Tiểu Bình giúp Trung Quốc thịnh vượng thì ông Tập Cận Bình giúp Trung Quốc hùng mạnh. Khôi phục vị thế của Trung Quốc là một thông điệp trung tâm của "Tư tưởng Tập Cận Bình", báo Mỹ cho hay.
Lý giải về Giấc mộng Trung Hoa, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an cho hay, tháng 11/2012, ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư sau Đại hội 18. Hình ảnh ngay sau Đại hội một tuần là khi ông Tập Cận Bình đến Viện Bảo tàng Lịch sử Trung Hoa cùng các cán bộ chủ chốt. Khi dừng lại một gian của Bảo tàng ghi lại việc sau khi phát triển rực rỡ vào thế kỷ 15 - 17, Trung Quốc đã rơi vào vòng nô lệ của phương Tây cho đến đầu thế kỷ 20. Tại đây, ông Tập Cận Bình nói, thế hệ chúng ta phải lấy lại vinh quanh của dân tộc Trung Hoa vĩ đại. Vì thế sau này mới được gọi là Giấc mộng Trung Hoa. Bản chất là khôi phục Trung Quốc trở lại vị thế đế vương cách đây 300 - 400 năm đã bị đánh mất, biến Trung Quốc thành cường quốc hàng đầu thế giới. |