Hezbollah đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan!

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều năm đối đầu với Israel, Hezbollah đang đứng ở tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi một mặt vẫn muốn duy trì vai trò ủng hộ Palestine, mặt khác lại lo ngại có thể kéo Lebanon vào một cuộc chiến toàn diện với Tel Aviv.

Hezbollah là lực lượng quân sự và chính trị có tầm ảnh hưởng sâu rộng tại Lebanon, do đó mọi quyết sách của tổ chức này có thể tác động đến toàn bộ đất nước. Không những vậy, được xem là mắt xích quan trọng nhất trong mạng lưới dân quân tại Trung Đông hậu thuẫn bởi Iran, Hezbollah khiến quân đội Israel phải dè chừng trước khả năng tham chiến vào cuộc xung đột hiện tại bên cạnh Hamas.

Hezbollah đang được xem là kình địch lớn nhất của Israel. Nguồn: The New York Times
Hezbollah đang được xem là kình địch lớn nhất của Israel. Nguồn: The New York Times

Tuy vậy, bất chấp việc Israel liên tục thực hiện các đợt công kích vào Dải Gaza, Hezbollah vẫn chưa thể tham chiến với tư cách là đồng minh của Hamas, do lo ngại sẽ kéo cả Lebanon vào một cuộc chiến toàn diện, bên cạnh đó là các phản ứng từ Washington, đồng minh thân cận của Israel.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng sau nhiều năm xung đột với Israel, lực lượng bán quân sự hùng mạnh nhất Trung Đông không muốn tham gia vào một cuộc xung đột quy mô lớn với Tel Aviv.

Điều này đã lý giải những hành động hạn chế từ phía Hezbollah, bất chấp việc Israel đã bắt đầu chiến dịch trên bộ tại Gaza, trong khi con số thương vong dân thường bên phía Palestine đã lên tới hơn 8.000 người sau các đợt không kích của Israel.

Ngoại trưởng Lebanon Abdallah Bou Habib cho biết: “Toàn bộ Lebanon, bao gồm cả Hezbollah, không hề muốn chiến tranh xảy ra. Phương Tây đã gây áp lực lên chính phủ để hạn chế các hành động của Hezbollah. Và Hezbollah cũng bày tỏ ý định sẽ không bắt đầu một cuộc chiến.”

“Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu Israel bắt đầu một cuộc chiến, cộng đồng thế giới cũng cần lên tiếng vì điều đó,” Ông cho biết thêm.

Phía Mỹ cũng được cho đã khuyến nghị Israel không thực hiện một cuộc tấn công toàn diện đối với Hezbollah, điều có thể khiến cả khu vực rơi vào hỗn loạn.

Vào ngày 30/10, Ron Dermer, Bộ trưởng về các vấn đề chiến lược của Israel cho biết: “Chúng tôi không muốn xung đột leo thang ở phía Bắc, trừ trường hợp Hezbollah muốn gây hấn và Israel sẽ sẵn sàng đáp trả”.

Về phía Hezbollah, mặc dù lực lượng này chưa sẵn sàng tham chiến, tuy nhiên ông Bou Habib cũng cảnh báo rằng nếu Israel không nhanh chóng chấm dứt các cuộc tấn công tại Gaza hay leo thang các vụ tấn công nhằm vào Lebanon, các sức ép từ nhiều phía có thể sẽ khiến tổ chức này buộc phải có hành động đáp trả.

“Nếu tình hình ở Gaza ngày càng tồi tệ, cuộc khủng hoảng sẽ lan rộng sang cả Trung Đông,” Ông không khỏi lo ngại.

Tương tự như Hamas, Hezbollah hiện đang bị Mỹ và các quốc gia khác xem là tổ chức khủng bố.  Một số nhà lãnh đạo Hamas đang kì vọng vào sự trợ giúp từ Hezbollah.

Khaled Meshaal, cựu lãnh đạo của Hamas, mong muốn các đồng minh tại khu vực của nhóm vũ trang này sẽ cùng nhau nỗ lực để chống lại Israel.

Mặc dù chưa xác định rõ được sức mạnh thực sự của Hezbollah, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng lực lượng này đủ sức gây ra thiệt hại đối với Israel. Nhiều nguồn tin cho biết lực lượng quân sự này sở hữu kho vũ khí có hơn 150.000 tên lửa khác nhau, với nhiều tên lửa dẫn đường chính xác có khả năng tấn công các mục tiêu nhạy cảm.

Maha Yahya, giám đốc Trung tâm Trung Trung Đông Carnegie, cho biết: “Hezbollah có thể gây ra thiệt hại nặng nề cho Israel nếu họ lựa chọn tham chiến”.

“Họ có thể thực hiện nhiều chiến thuật tấn công linh hoạt thay vì nhắm trực diện vào Israel. Bên cạnh đó, quân đội Iran có thể tham gia hỗ trợ Hezbollah tại khu vực Syria và những khu vực mà Israel có lợi ích,” Bà cho biết.

Bất chấp các viễn cảnh về leo thang quân sự, có lẽ điều mà Hezbollah mong chờ là một làn sóng phản đối Israel trên khắp Trung Đông, qua đó tác động tới các chính sách cứng rắn của nước này nhằm vào Hamas.