Hiện thực hóa chính sách hướng Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những nỗ lực tìm hướng đi trong chính sách ngoại giao kinh tế mới cho nước Anh,...

Kinhtedothi - Trong những nỗ lực tìm hướng đi trong chính sách ngoại giao kinh tế mới cho nước Anh, Thủ tướng David Cameron đã thực hiện chuyến công du đến 4 quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) gồm: Malaysia, Singapore, Indonesia và Việt Nam. Đây cũng là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Anh.

Thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế

Giữa lúc một số nền kinh tế trong EU gặp khó khăn và nội bộ rạn nứt, thay đổi hướng tiếp cận về chính sách đối ngoại, qua đó tiếp cận các thị trường xa hơn đang trỗi dậy mạnh mẽ, là điều Thủ tướng Cameron tin tưởng có thể vực nước Anh thoát khỏi tình trạng trì trệ bấy lâu nay.
Thủ tướng Anh David Cameron.
Thủ tướng Anh David Cameron.
Trong khi EU vẫn là đối tác mậu dịch lớn nhất của Anh, Thủ tướng Cameron khẳng định, nước này cần vươn tầm liên kết ra ngoài châu Âu và hướng tới các thị trường có nhiều tiềm năng chưa khai thác. Bên cạnh nỗ lực hâm nóng mối quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc gần đây, chính quyền Thủ tướng Anh còn đặc biệt quan tâm khu vực ĐNA, nơi dự kiến sẽ trở thành thị trường lớn thứ 4 trên thế giới đến năm 2030. Với lập trường đó, ông Cameron đã gửi một thông điệp rõ ràng về chiến lược hướng Đông trong chính sách ngoại giao của mình.

Đề cập tới 4 nước ĐNA dự kiến tới thăm trong bài viết trên tờ Daily Mail ngày 24/7, nhà lãnh đạo Anh bày tỏ ấn tượng khi Singapore có nhiều điện thoại thông minh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, Indonesia có 55 triệu người sử dụng internet hay Việt Nam nhập khẩu 150.000 xe hơi mỗi năm. Thủ tướng Anh cũng đề cao tầm quan trọng của các phái đoàn thương mại, khẳng định các phái đoàn này góp phần quan trọng mang lại những thỏa thuận hợp tác kinh doanh khổng lồ cho xứ sở sương mù.

Chuyến công du lịch sử

Không quá ngạc nhiên khi một trong 4 quốc gia Thủ tướng Cameron chọn  công du có Việt Nam, nền kinh tế có tăng trưởng nhanh nhất khu vực ĐNA. Trong 5 tháng đầu năm 2015, kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều Việt Nam – Anh đạt 1,32 tỷ Bảng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này được ghi nhận là sự phát triển vượt bậc của thương mại hai chiều Việt Nam – Anh với kim ngạch song phương tăng gấp hơn 3 lần trong vòng 1 thập kỷ.

Một yếu tố quan trọng sẽ góp phần tăng xuất khẩu của Việt Nam vào Anh trong thời gian tới là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU). Theo kế hoạch, đàm phán hiệp định này sẽ được kết thúc và ký kết trong năm 2015. Sau khi hiệp định có hiệu lực, việc dỡ bỏ các rào cản về thuế và phi thuế quan cũng như các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư sẽ đem đến thêm các cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam nói chung và các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi của Việt Nam nói riêng xuất khẩu vào EU, trong đó có Anh. Chuyến thăm của Thủ tướng Anh nhằm trao đổi các biện pháp, phương hướng làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Anh; sẽ góp phần thúc đẩy các cơ hội mở trên, đồng thời là tín hiệu cho thấy hợp tác thương mại hai nước sẽ có đà tăng trưởng mới kể từ năm 2015.

Bên cạnh đó, với các thỏa thuận thương mại trị giá 1,16 tỷ USD dự kiến ký kết, chuyến công du này sẽ đem lại diện mạo mới cho mối quan hệ thương mại giữa Anh và khu vực ĐNA nói chung, Việt Nam nói riêng.
Anh hiện là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong EU. Thương mại hai chiều năm 2014 đạt gần 4,5 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Anh tại Việt Nam đạt 3,18 tỷ USD, xếp thứ 16/101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hiện có khoảng 40.000 người Việt sinh sống và làm việc tại Anh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần