Theo ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Công ty Ô tô Trường Hải, hướng đi để hiện thực hóa khát vọng không chỉ đáp ứng sản phẩm ô tô cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ngược ra các nước ASEAN. Nhà máy mới mang theo kỳ vọng của Thaco trong nỗ lực đẩy mạnh nội địa hoá ô tô đến 40%, xuất khẩu xe trong khu vực. Đáng chú ý, ngay trong buổi lễ khánh thành nhà máy mới của Thaco, lãnh đạo Tập đoàn Mazda (Nhật Bản) cam kết tiếp tục hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất để ngày càng có nhiều sản phẩm linh kiện ô tô được sản xuất tại Việt Nam, đồng thời tiếp tục hỗ trợ Thaco sớm hoàn thành giai đoạn 2 của nhà máy, đạt công suất thiết kế 100.000 xe/năm.
Được biết, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sau 20 năm phát triển đã không đạt được hầu hết các mục tiêu. Cùng với đó, trước áp lực mở cửa hàng rào thuế quan theo các cam kết thương mại quốc tế, công nghiệp ô tô đứng trước tình thế “chết yểu”. DN phải bán nhà, bán xưởng để trả nợ, Bộ Công Thương thẳng thắn nhận thất bại. Thế nhưng trong tình cảnh ấy đã nhen nhóm lên những niềm hy vọng mới. Đã xuất hiện những DN có tiềm lực, đầu tư lớn, bài bản, quyết tâm tạo ra thương hiệu đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu như Thaco, Vingroup…Niềm tin và sự khát khao sản xuất ô tô trong nước có lẽ đã không chỉ là mong muốn của người dân, các nhà sản xuất, lắp ráp mà còn nhận được sự cổ vũ rất lớn của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành ôtô Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn cùng với đó là những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra cơ hội, cũng như thách thức lớn, buộc phải đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô theo xu thế thế giới.Cho dù có sự khởi đầu khả quan, nhưng khó khăn sẽ không dừng lại với ngành công nghiệp ô tô trong nước, khi theo hàng loạt cam kết đã và mới được ký kết, thuế nhập sẽ giảm nhanh, thậm chí về 0% ở một số thị trường.Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô theo hướng bảo đảm sự công bằng cho các nhà đầu tư, không phân biệt DN trong nước, ngoài nước. Chính phủ sẽ có những chính sách phù hợp để tạo sự công bằng giữa ô tô sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc. Việc bảo vệ sản xuất trong nước cũng phải đúng với các thông lệ, các cam kết hợp tác quốc tế mà Việt Nam là thành viên.Rõ ràng trong bối cảnh đó, sản xuất ô tô Việt Nam sẽ phải rất khác, bài bản, tìm hướng đi riêng cho mình, chứ không thể trông chờ vào những chính sách bảo hộ phi thị trường. Việc khánh thành nhà máy sản xuất ô tô Mazda hiện đại nhất Đông Nam Á là bước ngoặt cho ngành công nghiệp ô tô Việt. Thế nhưng vấn đề, làm sao để giảm giá thành sản xuất, cạnh tranh được với ô tô ngoại, nâng cao chất lượng đem lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng để duy trì hoạt động, phát triển bền vững không đơn giản. Chỉ khi nào các DN ô tô trong nước giải được bài toán ấy thì giấc mơ ô tô Việt mới thực sự hiện thực hoá một cách đúng nghĩa.