Hiệu quả bước đầu trong triển khai ''Sổ tay đảng viên điện tử'' tại Hà Nội

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 4 tháng thực hiện việc triển khai ứng dụng phần mềm, đến nay, “Sổ tay đảng viên điện tử” đã được áp dụng rộng rãi trong Đảng bộ TP Hà Nội. Quá trình triển khai cho thấy, phần mềm thực hiện thuận tiện, hiệu quả và ngày càng thân thiết với đảng viên…

Toàn TP có 436.459 đảng viên đã cài đặt thành công

Theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Triệu Thị Ngọc, sau hơn 4 tháng thực hiện việc triển khai ứng dụng phần mềm bước đầu đạt kết quả tích cực, đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra. Công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai kế hoạch được các cấp ủy đảng thực hiện nghiêm túc, tạo sự thống nhất cao trong triển khai và ứng dụng phần mềm.

Quận Đống Đa tổ chức Hội nghị hướng dẫn cài đặt phần mềm cho các đảng viên.
Quận Đống Đa tổ chức Hội nghị hướng dẫn cài đặt phần mềm cho các đảng viên.

Đến nay, đã có 38/50 đảng bộ trực thuộc Thành ủy gửi dữ liệu đảng viên về Ban Tổ chức Thành ủy, trong đó chuẩn hóa được 14/50 đảng bộ. Dự kiến từ ngày 19/4 – 31/5, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ chuyển giao, cài đặt phần mềm tại 50 đảng bộ cấp trên cơ sở và các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc quận, huyện, thị và đảng ủy trực thuộc Thành ủy. Kết quả, đến ngày 16/4, toàn Đảng bộ TP đã có 436.459/472.869 đảng viên được cài đặt thành công phần mềm (đạt 102,57% so với số đảng viên đủ điều kiện và đạt 92,30% so với tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ TP).

Với một Đảng bộ có số lượng đảng viên đông, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường cho biết, tính đến ngày 15/3/2023, toàn Đảng bộ quận Đống Đa có 28.186 đảng viên cài đặt thành công (đạt 100% tổng số đảng viên đủ điều kiện cài đặt). Sau khi triển khai cài đặt, sử dụng phần mềm, qua nắm bắt thực tế tại đảng bộ quận cho thấy đa số đảng viên đều rất tâm đắc và đánh giá cao hiệu quả cung cấp thông tin mà phần mềm mang lại. Phần mềm vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa mở rộng thông tin và bảo đảm tính thời sự.

 

Một số đảng bộ có cách làm sáng tạo, bài bản như lập danh sách đảng viên hiện có, đảng viên có điện thoại thông minh đủ điều kiện để cài đặt, thành lập các nhóm Zalo hỗ trợ việc cài đặt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cài đặt…

Từ những thông tin được cung cấp, cán bộ, đảng viên có cơ sở, có kiến thức để đấu tranh với những thông tin trái chiều, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh phản bác, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Từ thực tiễn triển khai tại cơ sở, Bí thư Quận uỷ Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, tính đến ngày 1/3/2023, quận đã hoàn thành tạo tài khoản đối với 100% đảng viên. Quá trình sử dụng phần mềm giúp bước đầu thống kê được đúng, đủ số lượng đảng viên trong toàn đảng bộ quận và phục vụ rà soát, đối khớp danh sách đảng viên trong toàn quận. Phần mềm là công cụ quan trọng để nắm bắt, quản lý hoạt động của đảng viên.

Tại quận Thanh Xuân, tính đến 17/4/2023, số lượng đảng viên có đủ điều kiện cài đặt phần mềm đã đăng ký thành công 17.385/17.418 (đạt 99,81%). Còn tại huyện Đông Anh, đến nay đã có 14.302/14.454/15.795 đảng viên có tài khoản trên phần mềm (đạt 98,95%)…

Chiều 18/4, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả bước đầu triển khai ứng dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” và “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên”.
Chiều 18/4, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả bước đầu triển khai ứng dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” và “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên”.

“Nuôi sống” ứng dụng bằng thông tin phong phú

Để có được kết quả trên, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, đây là kết quả của quá trình tổ chức thực hiện khoa học, bài bản và quá trình thực hiện tiến hành từng bước từ thí điểm ở các loại hình đảng bộ sau đó mới triển khai đồng loạt.

Để “nuôi sống” ứng dụng bằng hệ thống thông tin phong phú từ tư liệu đến tin tức cập nhật từ T.Ư đến các đảng bộ trực thuộc, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Biên tập tin, bài “Sổ tay đảng viên điện tử Thành ủy Hà Nội”. Hiện Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy đã thành lập tổ biên tập tin, bài và phân công rõ người, cơ quan chịu trách nhiệm duyệt đăng tin, bài để đăng trên “Sổ tay đảng viên điện tử”.

Điển hình tại quận Đống Đa, từ tháng 3/2023, Ban Biên tập tin bài của quận do Ban Tuyên giáo quận ủy chủ trì đã tích cực đăng tải tin bài trên phần mềm. Quận ủy Đống Đa đã thành lập Ban Biên tập và có Quy chế hoạt động của Ban biên tập tin bài “Sổ tay đảng viên điện tử” của quận. Tính đến 17/4/2023, Ban Biên tập tin bài của quận đã đăng tải 157 bài viết lên cổng thông tin và số lượng bài viết đứng thứ 2 sau Đảng bộ TP.

Tại huyện Đông Anh, huyện ủy chỉ đạo các ban đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội, các Tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc định kỳ hàng tuần có tin, bài viết để đăng trên phần mềm. Đến nay, việc đăng tin bài của huyện đã được thực hiện thường xuyên, đi vào nề nếp. Còn tại quận Thanh Xuân, Tổ Biên tập tin, bài “Sổ tay đảng viên điện tử” của Quận ủy đã đăng 14 tin bài lên phần mềm…

Để tăng tính tương tác, tạo sự thu hút hơn cho người dùng, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong đề nghị, các địa phương cần chủ động hơn trong cập nhật thông tin của địa phương lên phần mềm và khắc phục những khó khăn về công nghệ, nguồn nhân lực để triển khai căn cơ, bài bản các nội dung của phần mềm này đến các đảng viên.

Trong đó, cần triển khai tích hợp ngay trong tháng 5 này trang thông tin của Đảng bộ TP, Bản tin thông tin nội bộ vào phần mềm để thông tin đa dạng, phong phú và kịp thời. Ngoài ra, các đơn vị cần sớm rà soát lại các trang thiết bị cần mua sắm phục phụ để phần mềm hoạt động thực sự “đúng, đủ, sạch, sống”.