Trước bài phát biểu của ông Putin, đã có nhiều đồn đoán rằng nhà lãnh đạo Nga có thể kêu gọi Quốc hội chính thức công nhận nền độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng, trong trường hợp xung đột trong khu vực trở thành một cuộc chiến thật sự.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin hôm 21/4 khẳng định, chỉ một khi phương Tây vượt qua "lằn ranh đỏ" của Nga, Moscow sẽ phản ứng "bất đối xứng, nhanh chóng và cứng rắn" để bảo vệ lợi ích quốc gia. "Bất cứ ai đe dọa lợi ích an ninh cốt lõi của chúng tôi sẽ phải hối tiếc chưa từng có", nhà lãnh đạo Nga nói trong bài phát biểu Thông điệp liên bang 2021.
Thực tế, Tổng thống Putin từng nói về phản ứng "bất đối xứng" của Nga đối với các hành động của phương Tây cách đây nhiều năm. Nhưng lần này tuyên bố của ông được cho đã tiến thêm một bước, khi đề cập đến "lằn ranh đỏ". Và theo giới quan sát, không lạ khi ông Putin không nói cụ thể về ranh giới đó của Moscow là gì.
"Một cảnh báo như vậy sẽ là cách để đưa ra các quyết định điều động chính trị khác nhau", Nikola Mikovic - cây bút chuyên phản ánh các chính sách đối ngoại của Nga, Ukraine và Belarus - viết trên CGTN. "Nếu không có định nghĩa rõ ràng về điểm không thể làm lại đối với Nga, Điện Kremlin luôn có thể giữ thể diện và tránh các cuộc đối đầu trên trường quốc tế, khi cho phép hiểu rằng "lằn ranh đỏ" vẫn chưa bị vượt qua", ông Nikola nhận định.
Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy Nga đang dần có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với các hành động của phương Tây. Ví dụ, phản ứng với việc Cộng hòa Séc trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga gần đây, Moscow đã quyết định trục xuất 20 nhà ngoại giao của Cộng hòa Séc. Đáng chú ý là theo tiền lệ, các biện pháp trả đũa thuần túy của Moscow sẽ dẫn đến việc cử về nước một số lượng các nhà ngoại giao như nhau.
Trong bài phát biểu hôm 21/4 của mình, Tổng thống Putin cũng chỉ ra rằng Nga sẽ luôn hành động vì lợi ích của mình trong phạm vi luật pháp quốc tế. Kết hợp với các sự kiện diễn ra thời gian qua, tuyên bố này rất có thể đồng nghĩa với việc Moscow dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ các đồng minh của mình, đặc biệt là Belarus và chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko.
Trong khi đó, ông Putin vẫn phải tìm cách giải quyết các bất ổn chính trị trong nước. Vài giờ sau khi Thông điệp liên bang được phát ra hôm 21/4, những người biểu tình trên khắp nước Nga đã xuống đường đòi thả nhà phê bình Điện Kremlin Alexey Navalny - người đang ngồi tù vì vi phạm bản án tù treo năm 2014 cho tội danh tham ô của mình.
Mỹ đã thông báo với Nga rằng sẽ có "hậu quả" nếu Navalny - người phải nhập viện vài tuần sau khi bắt đầu tuyệt thực trong nhà giam - chết trong tù. Người này quyết định tuyệt thực vì đòi hỏi được bác sĩ riêng của mình điều trị thay vì đội y tế của nhà tù.
"Yêu sách không thể được chấp nhận ở bất cứ nhà tù nào trên thế giới này rõ ràng là cái cớ cho phương Tây tiếp tục sử dụng trường hợp của Navalny như một công cụ khác để chống lại Nga", ông Nikola nhận định.
Về phần mình, Nga có xu hướng tránh mọi cuộc đối đầu với Mỹ và các đồng minh - điều mà Tổng thống Putin cũng đã đề cập rõ ràng. Tuy nhiên, Moscow được cho cũng có thể sẵn sàng đáp trả dứt khoát những gì mà ông Putin gọi là "sự thô lỗ trắng trợn" và "những nỗ lực không thân thiện".