Triển khai nhiều giải pháp
Qua giám sát chuyên đề của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP tại một số quận, huyện và Sở LĐTB&XH liên quan đến thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Hà Nội cho thấy, các đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, hướng nghiệp, hỗ trợ người lao động tìm việc làm, tiếp cận nguồn vốn vay, đào tạo nghề. Đáng chú ý, nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn vay qua ngân hàng chính sách xã hội... đã đóng góp đáng kể vào hỗ trợ giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân.
Tại quận Hà Đông, Trưởng Phòng LĐTB&XH quận Đỗ Minh Loan cho biết, thực hiện Kế hoạch của UBND TP Hà Nội về hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động, UBND quận đã xây dựng Kế hoạch triển khai hàng năm, nhằm thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển thị trường lao động toàn diện. Kết quả giải quyết việc làm cho người lao động từ năm 2020 đến năm 2022 đều vượt chỉ tiêu được giao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình thông tin, thực hiện chủ trương, kế hoạch của TP, UBND huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giải quyết việc làm cho người lao động. Thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là lao động nông thôn trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Bằng nhiều giải pháp tích cực, từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm TP giải quyết việc làm cho trên 160.000 lao động góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, tỷ lệ giải quyết việc làm toàn TP qua các năm đều vượt kế hoạch. Năm 2020, giải quyết việc làm cho 180.578 lao động, đạt 116% kế hoạch; đến năm 2022, giải quyết việc làm cho 203.027 (đạt 127% kế hoạch) tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Các nguồn vốn vay phát huy hiệu quả
Đáng chú ý, việc hỗ trợ người lao động tìm việc làm thông qua các nguồn vốn vay được triển khai có hiệu quả. Từ năm 2020 đến nay, nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh vay từ ngân sách TP ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần thu hút, tạo việc làm cho gần 184.937 lao động, góp phần hoàn thành 30% so với mục tiêu kế hoạch giải quyết việc làm cho 638.000 lao động của TP giai đoạn 2020-2023.
Bên cạnh đó, trong hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động, từ năm 2020 đến hết tháng 9/2023 tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm tại chi nhánh Ngân hàng Ngân hàng Chính sách xã hội là 10.440 tỷ đồng, tăng 6.750 tỷ đồng so với năm 2019; thu hút, tạo việc làm cho 309.090 người lao động.
Tại huyện Thanh Oai, từ năm 2020 đến nay đã giải quyết việc làm thông qua nguồn vốn cho vay Quỹ Quốc gia là gần 5.000 lao động người. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhiều lao động bị mất việc làm tạm thời, số lao động được tuyển mới hạn chế, nên chủ yếu được giải quyết việc làm thông qua nguồn vốn cho vay từ Ngân sách ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội.
Trưởng Phòng LĐTB&XH quận Hà Đông Đỗ Minh Loan cho biết, trong những năm qua, cùng với nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm phân bổ từ Trung ương và TP, quận đã trích từ ngân sách chuyển sang phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong 9 tháng đầu năm 2023 tổng số lao động được vay vốn là 6.359 người với số tiền trên 370 tỷ đồng. Thông qua các nguồn vốn vay nêu trên đã giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động trong hộ người khuyết tật, hộ gia đình chính sách, người có công, hộ sản xuất tại làng nghề truyền thống, hộ bị ảnh hưởng của dịch bệnh Coivid-19, các hộ kinh doanh….
Nguồn vốn cho vay đã góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đẩy lùi tín dụng đen - nhất là ở khu vực nông thôn. Từ đó, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn. Vốn tín dụng chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn Hà Nội, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình 04/CTr-TU và Chương trình 08/CTr-TU của Thành ủy.
Đổi mới đào tạo nghề để thu hút người tham gia
Ghi nhận những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách pháp luật về giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, qua giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP nhận định, công tác tuyên truyền về dạy nghề, giải quyết việc làm tại một số địa phương chưa được quan tâm sâu sát, chưa phong phú nên một số người lao động nhận thức chưa đầy đủ về công tác chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm mới; công tác đào tạo nghề chưa có sức hấp dẫn do tâm lý trọng bằng cấp. Nguồn vốn cho vay mặc dù đã được TP quan tâm bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. Ví dụ như năm 2023, tính đến 30/9/2023 mới bố trí được 110 tỷ đồng/chỉ tiêu 900 tỷ đồng.
Theo Trưởng Ban Văn hoá-Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình, các đơn vị nên chú trọng công tác tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề, tư vấn định hướng nghề nghiệp, giải quyết việc làm để người dân nắm được. Đặc biệt, quan tâm cập nhật, đổi mới cách thức đào tạo nghề ngắn hạn để nâng cao chất lượng, tạo sức hút với lĩnh vực đào tạo nghề. Tập trung ưu tiên cho vay vốn, thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nhất là những người yếu thế như người sau khi chấp hành án phạt tù, người ở vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật...