Hoàn thiện không gian đặc biệt Hồ Tây

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khu vực không gian văn hóa, tâm linh kết hợp trục không gian cảnh quan công cộng, quảng trường, khu vực thương mại, dịch vụ, khách sạn phục vụ du lịch nghỉ dưỡng; đồng thời là nơi xây dựng nhà hát quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô... Do vậy, TP Hà Nội đã giao đơn vị chức năng rà soát, báo cáo rõ sự phù hợp điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và phụ cận.

Không gian đặc biệt trong các quy hoạch
Khu vực Hồ Tây là một danh lam thắng cảnh đặc thù mang đậm dấu ấn của ngàn năm xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội mà hiếm đô thị nào trên thế giới có được. Lịch sử phát triển Thăng Long - Hà Nội dù ở thời kỳ nào cũng luôn lấy Hồ Tây để khai thác lợi thế, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị.
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, khi xây dựng kinh thành Thăng Long qua các triều đại, Hồ Tây được khai thác như địa điểm du ngoạn, giải trí mà bằng chứng là nhiều cung điện, đền, chùa và nhiều di sản văn hóa phi vật thể gắn với lễ hội truyền thống, danh nhân văn hóa còn đến ngày nay.
Thời kỳ Pháp thuộc, nhất là qua hai lần quy hoạch (năm 1924 - 1925 và năm 1943), Hồ Tây được chú trọng với ý đồ bảo tồn cảnh quan và khai thác chủ yếu phục vụ nghỉ ngơi, giải trí, tạo vùng không gian xanh mở từ sông Hồng vào trung tâm hành chính - chính trị. Sau hòa bình lập lại đến nay, Thủ đô Hà Nội qua 7 lần phê duyệt quy hoạch chung và định hướng phát triển, đều có điểm chung là kế thừa truyền thống xác định ưu tiên xây dựng chức năng trung tâm công cộng và công viên lớn ở khu vực này.
Hồ Tây. Ảnh: Phạm Hùng
Để phát huy giá trị không gian rộng lớn khu vực Hồ Tây, phục vụ cho sự phát triển bền vững của Thủ đô hơn ngàn năm tuổi, trong những bản quy hoạch gần đây, Hà Nội đều xác định việc tiếp tục đưa Hồ Tây vào chiến lược bảo vệ, khai thác có hiệu quả. Cụ thể, tại Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6) đã xác định lấy hồ làm trung tâm để phát triển không gian đô thị. Cấu trúc không gian được tổ chức theo các dải, lớp tạo bởi các tuyến đường xung quanh hồ, đặc biệt tạo lập trục không gian bán đảo Quảng An kết nối Hồ Tây với không gian sông Hồng và thành Cổ Loa.
Nhằm hiện thực hóa trục không gian này, ngày 15/12/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 8665/QĐ-UBND, giao cho một DN du lịch uy tín thực hiện nghiên cứu và lập quy hoạch chi tiết tại bán đảo Quảng An, thuộc địa bàn phường Quảng An, quận Tây Hồ. Với quy mô 79,39ha, khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An là khu chức năng với nhiều cây xanh, khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa tâm linh, công viên văn hóa nghệ thuật, trong đó nổi bật với một nhà hát quy mô lớn, hiện đại. Yêu cầu cốt tử là quy hoạch không phá vỡ những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng như mặt nước, các di tích đền, chùa… hiện có. Trong đó, dự án nhà hát đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân, bởi đây không chỉ là công trình đặc biệt của TP mà còn là điểm nhấn quan trọng của cảnh quan Hồ Tây.
Hoàn chỉnh quy hoạch khu vực

Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh thông tin, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nhà hát quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô, UBND TP đã cho phép Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời chịu trách nhiệm bỏ kinh phí để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tại bán đảo Quảng An, trình UBND TP phê duyệt (Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời là đơn vị tài trợ lập quy hoạch, không phải nhà đầu tư).
Công ty đã chủ động mời tư vấn thiết kế Renzo Piano Building Workshop - đơn vị tư vấn nổi tiếng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế công trình văn hóa, nhà hát của thế giới đề xuất phương án thiết kế ý tưởng và đã được Thành ủy và UBND TP thống nhất tại thông báo số 1948-TB/TU ngày 17/5/2019 và số 243/TB-UBND ngày 6/3/2019.

Tuy nhiên, để đảm bảo đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, ý đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và chức năng sử dụng đất phù hợp với ý tuởng thiết kế, cần thiết phải điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2.000 tại các ô quy hoạch 16, 17, 19 và các tuyến đường khu vực thuộc các phường Quảng An và Tứ Liên, quận Tây Hồ. Cụ thể, xác định vị trí cụ thể xây dựng nhà hát quy mô lớn, hiện đại, tiêu biêu cho Thủ đô, đồng thời điều chỉnh bổ sung, mở rộng, nâng cấp hạng một số tuyến đường giao thông vào một phần đất cây xanh đô thị đảm bảo đáp ứng lưu lượng giao thông cho nhu câu của công trình nhà hát và các khu vực lân cận.
Theo lãnh đạo Sở QH - KT Hà Nội, chỉ khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị này được duyệt mới có cơ sở pháp lý để triển khai đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An tỷ lệ 1/500 và đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng của khu vực nhằm hoàn chỉnh khu vực Hồ Tây thành khu du lịch, văn hóa, tâm linh, nghỉ ngơi của Nhân dân Thủ đô và là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế.

Cùng với những dự án mới tại bán đảo Quảng An, Hà Nội đang xúc tiến thực hiện các dự án khác nhằm làm đổi thay bộ mặt cảnh quan Hồ Tây. Đó là khu Công viên nước Hồ Tây và Công viên Mặt Trời Mới, vừa được UBND TP phê duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 4/2020. Như vậy, thời gian tới đây, bên bờ Hồ Tây rộng lớn, thơ mộng sẽ hình thành công viên vui chơi giải trí chuyên đề ngoài trời và trong nhà với hạng mục chính là Công viên nước Hồ Tây, các khu phụ trợ, vui chơi giải trí tổng hợp, trục không gian cảnh quan kết nối với hồ Tây, nhằm phát huy giá trị cảnh quan khu đất giáp, tạo không gian điểm nhấn của khu vực trở thành một điểm đến văn hóa, văn minh và hiện đại có hệ thống hạ tầng kỹ thuật được xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ.
Hiện nay, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang triển khai phương án phối cảnh tổng thể quy hoạch chi tiết công trình này. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Phạm Thế Vinh cho biết, phố đi bộ Trịnh Công Sơn giai đoạn 2 nằm trên địa bàn phường đang chuẩn bị được mở rộng có diện tích lên đến 26ha, ngoài không gian giai đoạn 1 gồm phố Trịnh Công Sơn, Vũ Tuấn Chiêu, Vườn hoa Trịnh Công Sơn còn thêm các tuyến phố Nhật Chiêu, các đầm sen, thung lũng hoa Hồ Tây, đường dạo cạnh Công viên nước… Hiện hồ sơ đề nghị TP chấp thuận cho phép hoàn thiện không gian phố đi bộ theo hướng ra sát đường kè Hồ Tây đang được tiếp tục hoàn thiện.

"Sông Hồng kết hợp với Hồ Tây là một không gian hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên đặc trưng, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Đây là những cơ sở quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc tạo dựng giá trị biểu tượng của khu vực, cũng như vai trò là không gian liên kết tự nhiên, lịch sử và văn hóa Cổ Loa -Thăng Long - Hà Nội trong quy hoạch tổng thể Hà Nội mở rộng. Vì vậy, trong nghiên cứu quy hoạch cần lưu ý phân bố chức năng trên nguyên tắc coi trọng các yếu tố tự nhiên, lịch sử và văn hóa. Chức năng chính ở khu vực này dành cho các hoạt động công cộng, giao lưu văn hóa cả ở quy mô quốc tế như “sảnh lớn” của “Ngôi nhà Hà Nội” - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam -  PGS. TS. KTS Nguyễn Quốc Thông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần