Hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Vì vậy, việc sớm hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) đảm bảo công bằng, khả thi là vô cùng cần thiết.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh Phạm Hùng 
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh Phạm Hùng 

Bổ sung một số quy định mới

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) do Bộ Công Thương soạn thảo gồm có 7 chương, 80 điều. Dự thảo luật mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, bổ sung một chương mới về bảo vệ quyền lợi NTD trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; sửa đổi khái niệm NTD theo hướng làm rõ người tiêu dùng chỉ là cá nhân mua, bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không vì mục đích thương mại; đồng thời bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi đối với nhóm có yếu tố riêng, gặp nhiều bất lợi hơn NTD thông thường.

Nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi NTD, dự thảo luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của NTD trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, dự thảo luật bổ sung một chương quy định về các giao dịch đặc thù, trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của NTD trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định nhằm xác định rõ quyền, nghĩa vụ, hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD; bổ sung quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội khi thực hiện một số hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD do Nhà nước giao.

Đáng chú ý, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác giải quyết yêu cầu của NTD, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về quyền của NTD yêu cầu hỗ trợ thương lượng; hoàn thiện quy định về phương thức hòa giải, trọng tài, về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi NTD được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Winmart, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Winmart, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng

Ràng buộc trách nhiệm các giao dịch thương mại điện tử

Những năm gần đây, sự phát triển kinh tế - xã hội đã làm xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường thương mại điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số... Do đó, việc hoàn thiện quy định pháp luật và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD cần sớm được triển khai, áp dụng vào thực tế.

Quan tâm đến nội dung bảo vệ NTD trong các giao dịch trên nền tảng số, Chủ tịch Hội bảo vệ NTD Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, dự thảo luật cần quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với NTD. Chẳng hạn, phải cung cấp chính xác, đầy đủ cho NTD những thông tin cụ thể như: Tên, địa chỉ, số điện thoại của đại diện theo pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam (nếu có).

Ngoài ra, phải cung cấp thông tin giá cả, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; chi phí giao hàng (nếu có); phương thức thanh toán, phương thức giao hàng, cung cấp dịch vụ; điều kiện và phương thức đổi, trả hàng; thời gian có hiệu lực của đề nghị giao dịch. Đặc biệt là thông tin cụ thể về các khoản phí, chi phí thuế giá trị gia tăng, cách thức tính phí, chi phí có thể phát sinh cho NTD.

Nêu quan điểm về việc sửa Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, cần hoàn thiện những quy định, chế tài một cách đầy đủ, toàn diện, hợp lý nhằm bảo đảm hoạt động mua bán. Trong đó, chú trọng quan hệ giữa bên bán hàng và NTD diễn ra thật sự lành mạnh, đúng bản chất nhằm phòng tránh gian lận, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của NTD.

Trên thực tế, ngày nào cũng có trường hợp NTD bị thiệt hại bởi những sai phạm khác nhau nhưng phần lớn các trường hợp đều chưa được giải quyết một cách triệt để, thỏa đáng.

“Phải kiểm soát chặt từ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, chứ không phải khi NTD sử dụng hàng kém chất lượng rồi thì mới tìm cách giải quyết. Theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước cần làm tốt khâu tiền kiểm, song song với phát động phong trào quần chúng phát giác những hành vi vi phạm quyền lợi NTD” - chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú khuyến nghị.

Tăng cường bảo mật thông tin cá nhân trên không gian mạng

Dẫn chứng về nhiều vấn đề mới phát sinh trong việc bảo vệ quyền lợi NTD, Giám đốc Công ty CP Mã hóa Việt Nam Trịnh Văn Dương lấy ví dụ hình thức kinh doanh online đem đến một số rủi ro cho NTD như: NTD mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, hàng bị giao chậm, hàng hóa không đúng với nội dung đã được quảng cáo…

Đáng lo ngại, khi bị phát hiện hành vi vi phạm quyền lợi NTD, phía tổ chức, cá nhân bán hàng né tránh trách nhiệm bằng cách khóa hoặc gỡ bỏ tài khoản bán hàng trên internet. Hành vi này gây nhiều khó khăn trong việc liên lạc với người bán, làm kéo dài thời gian giải quyết các khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của NTD.

Ông Trịnh Văn Dương hy vọng lần sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD sẽ có những quy định tiếp tục hoàn thiện quy định bảo vệ quyền lợi NTD khi tham gia giao dịch trên không gian mạng (thương mại điện tử, cho vay tiêu dùng, các mô hình kinh tế chia sẻ, dịch vụ ngang hàng), giảm thiểu và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi NTD.

Đặc biệt, cần phải có quy định về quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba tham gia vào việc giám sát tính trung thực trong các giao dịch; có cơ chế để chủ thể kinh doanh khi sử dụng ứng dụng của internet không tự mình xóa được tài khoản bán hàng khi bị phát hiện có hành vi kinh doanh không trung thực.

Cùng quan tâm đến việc bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, TS Phan Thị Lan Phương - giảng viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Khi tham gia giao dịch trên internet, người tiêu dùng còn phải đối mặt với rủi ro bị lộ thông tin cá nhân nên có thể bị nhận hàng từ một tài khoản giả mạo khác, hoặc bị rất nhiều tài khoản bán hàng chào mời, làm phiền hoặc gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống riêng tư của cá nhân. Vấn đề này trong các quy định của pháp luật hiện vẫn chưa có giải pháp triệt để”.

Vì vậy, TS Phan Thị Lan Phương góp ý, đối với việc bảo vệ thông tin cá nhân của NTD trong các giao dịch qua internet, cần phải quy định theo hướng tăng trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh trong việc bảo mật thông tin khách hàng.

 

Việc quy định chặt chẽ hơn có thể sẽ làm phát sinh thêm chi phí, nguồn lực cho cơ quan nhà nước cũng như yêu cầu cao hơn về trách nhiệm cho phía DN. Tuy nhiên, hoàn thiện quy định này sẽ đảm bảo sự lành mạnh cho môi trường kinh doanh, tạo sự an tâm cả phía khách hàng lẫn DN.  Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần