Hoàng Xuân Hãn mở đường cho giáo dục và nghiên cứu khoa học bằng tiếng Việt

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoàng Xuân Hãn là học giả lớn của nền giáo dục và khoa học Việt Nam trong thế kỷ XX. Từ rất sớm, ông đã ý thức được và thực hành đặt nền móng cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học bằng tiếng Việt.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn.
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn.

Xây dựng nền giáo dục mới

Hoàng Xuân Hãn (18/3/1908 - 10/3/1996) sinh ra trong một gia đình Nho học ở làng Yên Phúc, tổng Yên Hồ, huyện La Sơn, nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Thuở nhỏ, ông học chữ Hán và chữ Quốc ngữ với cha là tú tài Hoàng Xuân Ức. Lúc này, mặc dù gia đình rất túng bấn nhưng cha mẹ ông vẫn quyết chí cầm cố hết ruộng vườn để nuôi các con ăn học. Hoàng Xuân Hãn ra học tiểu học rồi lên Quốc học Vinh. Mẹ ông theo các con ra Vinh, nhận thầu nấu cơm cho ký túc xá của trường để có tiền nuôi các con ăn học.

Năm 1926, ông đỗ thành chung và ra Hà Nội thi đậu vào trường Bưởi. Năm 1927, ông tự học thi đỗ tú tài Pháp, phần 1; cũng năm này được chuyển sang học ban Toán trường Albert Sarraut. Năm 1928, ông đỗ tú tài Pháp, phần 2, ban toán và được học bổng du học Pháp.

 

Quá nửa đời người, Hoàng Xuân Hãn sống, học tập và làm việc ở Pháp nhưng con tim ông luôn hướng về Tổ quốc. Tất cả các hoạt động chính trị, giáo dục, học thuật của ông đều hướng đến bảo vệ, phát triển nền văn hóa, giáo dục, học thuật nước nhà. Ông là một học giả yêu nước nhiệt thành và có nhiều cống hiến.

Với tinh thần khổ công cầu học, tại Pháp, ông đã thi đỗ vào nhiều trường đại học danh tiếng của Pháp và châu Âu lúc bấy giờ như trường Cao đẳng Sư phạm, trường Bách khoa, khoa Toán trường Đại học Sorbonne.

Năm 1934, về nước với tấm bằng kỹ sư cầu đường, ông được chính phủ thuộc địa gợi ý nhận chức Giám đốc Công chính Đông Dương với điều kiện phải nhập quốc tịch Pháp. Ông từ chối và trở lại Pháp tiếp tục học toán ở Đại học Sorbonne. Ông nhận bằng thạc sĩ toán vào năm 1935.

Năm 1936, ông trở về nước, nhận chức Giáo sư Trung học tại trường Bưởi với khát vọng đóng góp vào nền giáo dục để mở mang trí tuệ cho thanh thiếu niên, nâng cao dân trí để từ đó dân tộc thoát khỏi vòng nô lệ. Thời gian này, ông còn giảng dạy cơ học tại Đại học khoa học (Hà Nội).

Cùng với việc dạy học, ông chủ trương xuất bản báo Khoa học và thường xuyên viết bài cho báo này về toán học, thiên văn, địa lý, lịch sử, văn hóa phương Đông và Việt Nam.

Với ý thức xây dựng một nền giáo dục và học thuật Việt Nam hiện đại, ông bắt đầu biên soạn sách “Danh từ khoa học” từ năm 1930, hoàn thành năm 1939, xuất bản năm 1942. Ông đã dùng tiếng Việt diễn đạt hàng loạt những khái niệm khoa học thuộc các bộ môn toán học, lý học, hóa học, cơ học và thiên văn học vốn đang rất ít từ ngữ bằng tiếng Việt lúc ấy. "Danh từ khoa học" được xem là công trình mở đường cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học bằng tiếng Việt.

Năm 1943, ông là thành viên sáng lập Hội truyền bá Quốc ngữ và là trưởng Ban tu thư của hội. Ông đã tìm ra phương pháp học chữ Quốc ngữ kiểu i tờ, bằng cách “mổ xẻ Quốc ngữ ra từng chữ i chữ tờ rồi đề nghị mở rộng cách ghi âm Quốc ngữ làm cho tiếng Việt phong phú hơn, đặc biệt về mặt khoa học” (Nguyễn Đình Đầu). Phương pháp này đã trở thành công cụ hữu hiệu xóa nạn mù chữ cho hàng triệu người trong phong trào “Diệt giặc dốt” sau Cách mạng tháng Tám.

Tháng 4/1945, ông tham gia chính phủ Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Mỹ thuật với mong muốn xây dựng một nền giáo dục Việt Nam độc lập và hiện đại. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, ông đã xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục bằng chữ Quốc ngữ; Áp dụng việc học và thi tú tài bằng tiếng Việt.

Ông kể lại: "Tôi tự đặt ra một số nguyên tắc mới, mà sau này chính chương trình Trung học Pháp cũng theo (như vượt lên về toán, lý, hóa, bỏ chia trung học ra hai phần...). Chính tôi đã đặt ra những từ: Phổ thông và Chuyên khoa. Nhất là như tôi đã nói, tôi thấy về văn học ta thiếu những người học sâu về cổ văn, để hiểu và dạy quốc văn nghiêm túc, và nhận văn bản đúng hay sai. Vì lẽ ấy, tôi đã đặt Ban chuyên khoa cổ văn như trong các chương trình Âu châu. Cuối tháng 6, lần đầu mở kỳ thi trung học bằng tiếng Việt tại Huế. Những bài làm rất tốt, kể cả bài thi triết học”. Chương trình giáo dục này đã có tác dụng lâu dài và căn bản đến nền giáo dục Việt Nam hiện đại.

Sau Cách mạng tháng Tám, tháng 4/1946, ông tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Pháp - Việt tại Đà Lạt.

Cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông bị kẹt lại ở Hà Nội. Từ đó, gia đình ông trở thành cơ sở ở nội thành, ủng hộ tài chính, thuốc men cho kháng chiến. Năm 1951, do bị o ép vì không ra làm việc cho chính quyền Pháp và ngụy quyền, ông cùng gia đình sang cư ngụ tại Pháp. Tại đây, một lần nữa ông lại lao vào con đường học tập. Năm 1956, ông tốt nghiệp kỹ sư năng lượng nguyên tử tại Học viện quốc gia khoa học và kỹ thuật hạt nhân Pháp.

Ở Pháp nhưng ông vẫn hết sức quan tâm đến việc nước. Năm 1954, ông đã sang Genève (Thụy Sĩ) để đóng góp nhiều ý kiến cho phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Việt kiều yêu nước tại Pháp, luôn có tiếng nói ủng hộ sự nghiệp kháng chiến của dân tộc. Ông thành lập Hội khuyến học Cam Tuyền để giúp đỡ đào tạo các tài năng toán học trẻ Việt Nam.

Khám phá các giá trị của dân tộc

Sự nghiệp khoa học của ông trải trên nhiều lĩnh vực. Về khoa học tự nhiên, ngoài toán học, và công trình “Danh từ khoa học” nổi tiếng, ông còn nghiên cứu thiên văn, lịch pháp. Các công trình “Lịch và lịch Việt nam”, “Lịch và lịch nhà Lê” đã tạo một cơ sở khoa học xây dựng lịch pháp Việt Nam. Nổi bật nhất trong sự nghiệp của ông là các công trình về khoa học xã hội vốn là lĩnh vực mà ông không được đào tạo, hoàn toàn tự học.

Về sử học, ông có “Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý” (1949), “La Sơn phu tử” (1952), là hai tác phẩm lớn nhất, mẫu mực nhất về phương pháp nghiên cứu, mở đầu cho nền sử học Việt Nam hiện đại. Ngoài ra, ông còn có nhiều công trình nghiên cứu lịch sử khác rất có giá trị như: “Nguyễn Biểu một gương nghĩa liệt”, “Lời thề Lũng Nhai”, “Hà thành thất thủ”, “Thống nhất thời xưa”…

Trong thời gian ở Pháp, ông vẫn quan tâm đến hoạt động nghiên cứu sử học ở trong nước. Ông cung cấp thông tin có giá trị cho Viện Khảo cổ học phát hiện, khai quật một số di tích liên quan về Hồ Quý Ly; cộng tác với tập san Sử Địa (xuất bản ở Sài Gòn trước 1975) bằng nhiều bài viết có giá trị, tiêu biểu nhất là bài “Quần đảo Hoàng Sa” đã cung cấp nhiều cứ liệu phong phú, lập luận chặt chẽ, sắc bén khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Về văn học, Hoàng Xuân Hãn có nhiều công trình nghiên cứu, khảo cứu rất có giá trị với nhiều tìm tòi và kiến giải mới. Đó là “Đại Nam quốc sử diễn ca (Lê Ngô Cát)”, “Thi văn Việt Nam (từ đời Trần đến cuối Mạc”, “Mai Đình mộng ký (của Nguyễn Huy Hổ 1783 - 1841)”, “Chinh phụ ngâm bị khảo”, “Bích câu kỳ ngộ”, “Hạnh Am thi cảo”, “Truyện Song Tinh”, “Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long”, “Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần – Lê. “Phái thiền Trúc Lâm Yên Tử”, “Nguồn gốc văn Kiều (Văn phái Hồng Sơn)”, “Nguồn gốc văn Kiều (Hát phường vải)”…

Riêng đối với Truyện Kiều, ông đã dành 50 năm thu thập tư liệu, khảo cứu; xác lập một “Phương pháp nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn về truyện Kiều” (Lê Thành Lân), và một “Kiều tầm nguyên” - công trình đặc biệt đi tìm nguyên tác của Nguyễn Du. Tiếc rằng công trình sắp hoàn thành với 750 trang viết tay thì ông đã ra đi.

Về việc viết sách Lý Thường Kiệt, ông cho biết: "Những việc tôi kể trong sách, hoàn toàn có chứng và được dẫn chứng. Cũng trong các hạng chứng, tôi chỉ để ý đến chứng chính xác mà thôi. Không bịa đặt, không tây vị, hết sức rõ ràng; đó là chuẩn thằng tôi đã theo trong khi viết quyển sách này". Không chỉ một cuốn sách này mà trong các công trình, bất luận thuộc lĩnh vực nào, ông đều có phương pháp nghiên cứu khoa học khách quan, chính xác; mọi luận cứ đều có cơ sở chắc chắn. Ông đã khám phá các giá trị của dân tộc bằng phương pháp khoa học thực chứng trên nền tảng kiến thức Tây học và Hán học phong phú của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần