Hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm ngoài nhà trường: Chất lượng đang bị thả nổi?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trước không ít tai nạn, rủi ro, sự cố xảy ra với học sinh khi tham gia hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa do nhà trường tổ chức, nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng, hoài nghi về chất lượng tổ chức và khả năng quản lý học sinh của các nhà trường.

Những sự cố đầy day dứt

Vụ việc hơn 50 học sinh Trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội đồng loạt đau bụng, buồn nôn nghi ngộ độc thực phẩm sau chuyến dã ngoại do nhà trường tổ chức xảy ra chiều 28/3 đang gây xôn xao dư luận. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, các học sinh đã được đưa đến các cơ sở y tế thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi sức khỏe và chờ kết luận từ cơ quan chức năng.

Các học sinh Trường Tiểu học Kim Giang bị đau bụng, buồn nôn sau chuyến dã ngoại được chuyển đến bệnh viện theo dõi và điều tr
Các học sinh Trường Tiểu học Kim Giang bị đau bụng, buồn nôn sau chuyến dã ngoại được chuyển đến bệnh viện theo dõi và điều trị

Trước đó, tại Hà Nội và một số địa phương trên cả nước đã xảy ra không ít vụ tai nạn thương tâm khi tham gia tham quan, dã ngoại do trường tổ chức.

Có thể kể vụ một nam sinh lớp 11 Trường THPT Lý Thánh Tông (huyện Gia Lâm, Hà Nội) tử vong do tắm suối khi đi dã ngoại cùng lớp ở Hòa Bình; một học sinh tử vong và hai học sinh bị thương nặng do gặp sự cố khi chơi tàu lượn tại chuyến ngoại khóa do Trường THPT Đông Anh (huyện Đông Anh) tổ chức. Tháng 1/2021, một học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Âu Dương Lân (Quận 8, TP Hồ Chí Minh) tử vong do đuối nước khi tham gia ngoại khóa của nhà trường...

"Tôi không thể yên tâm khi trường học tổ chức cho hàng trăm, hàng nghìn cháu đi tham quan cùng một lúc. Lứa tuổi học sinh vô cùng hiếu kỳ, nghịch ngợm, quản lý một lớp đã khó, huống hồ quản lý cả trường. Khi xảy ra sự cố, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?"- chị Hoàng Thị Hải, phụ huynh học sinh lớp 5 quận Nam Từ Liêm bày tỏ.

Còn phụ huynh Thái Thị Thanh Trúc, quận Tây Hồ chia sẻ: "Tôi không biết vì sao trước đây các nhà trường rất dè dặt khi tổ chức cho học sinh trải nghiệm ngoài nhà trường nhưng nay, hầu như trường nào cũng có phong trào trải nghiệm. Tôi không muốn cho con tham gia cũng không được vì cả lớp đăng ký mà con thì muốn đi chơi cùng các bạn. Cá nhân tôi thấy hoạt động này không thực sự cần thiết, có thể thay thế bằng các hoạt động ngoài sân trường để đảm bảo an toàn".

Hoạt động tự phát, thả nổi chất lượng?

TS Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm cho biết, trong Chương trình GDPT 2018, hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nêu rõ: Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS và THPT) nhằm tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thông qua đó, chuyển hóa những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống…

Hãy để trải nghiệm, ngoại khóa là hoạt động giáo dục đúng nghĩa (Ảnh minh họa)
Hãy để trải nghiệm, ngoại khóa là hoạt động giáo dục đúng nghĩa (Ảnh minh họa)

Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học; theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường. Các nhà trường có thể tổ chức hoạt động này qua nhiều phương thức, trong đó phương thức khám phá gồm các hoạt động tham quan, cắm trại, thực địa và các phương thức tương tự khác.

Theo nội dung hướng dẫn này, hầu hết các trường học đều tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh ở ngoài nhà trường, thông qua hoạt động tham quan, dã ngoại có đóng phí với đông đảo học sinh tham gia. 

Ngoài vấn đề đảm bảo an toàn và nhiều vấn đề khác thì mức phí nhà trường thu trong các chuyến dã ngoại cũng được nhiều phụ huynh quan tâm.

Mới đây, sự việc hiệu trưởng ép học sinh đóng tiền đi ngoại khóa, có lại quả cho giáo viên chủ nhiệm xảy ra tại Trường THCS Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh khiến nhiều phụ huynh, giáo viên bức xúc.

Theo hiệu trưởng nhà trường thì đây không phải là chuyến tham quan bình thường mà là một buổi học ngoại khóa của môn Giáo dục địa phương. Điều đáng nói là hiệu trưởng nhắn giáo viên chủ nhiệm từng lớp phải bằng mọi giá cho lớp tham quan đầy đủ và ngoài việc mời mỗi xe hai giáo viên đi cùng thì bên Cty du lịch sẽ gửi lại giáo viên chủ nhiệm 10.000 đồng/học sinh và nếu lớp nào ít học sinh đi thì giáo viên chủ nhiệm sẽ bị xem xét đánh giá thi đua trong Quý 2.

Bày tỏ ý kiến về công tác tổ chức và hiệu quả thực tế của hoạt động ngoại khóa của các nhà trường, lãnh đạo một phòng GD&ĐT cho hay: Chương trình hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm của các trường dù có xin phép nhưng cơ bản là tự phát, các trường tự xây dựng kế hoạch, tự tổ chức với sự phối hợp của đơn vị du lịch. Tuy là hoạt động giáo dục bắt buộc của chương trình Giáo dục phổ thông mới nhưng hoạt động trải nghiệm chưa có sự kiểm soát chặt chẽ hay đánh giá nghiêm túc của cơ quan quản lý giáo dục, do vậy hiệu quả của hoạt động này vẫn rất hạn chế, chưa thực chất, chủ yếu là "cưỡi ngựa xem hoa".

Nhiều phụ huynh cho rằng, việc các trường tổ chức cho học sinh đi ngoại khóa có nhiều ý nghĩa tích cực trong phát triển tư duy, năng lực học sinh; tạo cơ hội cho các con hòa nhập, khám phá thiên nhiên, được vận động và thắt chặt tình thầy trò, bạn bè... Tuy nhiên, hãy để trải nghiệm, ngoại khóa là hoạt động giáo dục đúng nghĩa. Thay vì đi chơi thuần túy, ngoài kế hoạch chương trình chi tiết, các thầy cô cần đặt câu hỏi, giao bài tập cho học sinh trong và sau mỗi chuyến ngoại khóa. Nên tổ chức theo khối lớp, nhóm nhỏ để hoạt động có hiệu quả và đảm bảo an toàn cho học sinh.

 

Để rà soát, chấn chỉnh hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp tại các cơ sở giáo dục, ngày 20/3, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu hoạt động này của các nhà trường phải đảm bảo tính thiết thực, gắn với những mục tiêu, nội dung giáo dục cụ thể, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông; chú trọng công tác an toàn, hiệu quả trong quá trình tổ chức; hạn chế tổ chức toàn trường, nhiều khối hoặc quá đông học sinh trong cùng một thời điểm, đặc biệt không tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh ngoài địa bàn TP.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng có những lưu ý cụ thể với các nhà trường về công tác tổ chức hoạt động dã ngoại cho học sinh, trong đó nhấn mạnh việc tổ chức phải được thống nhất và đồng thuận của cha mẹ học sinh, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, bảo đảm tuyệt đối an toàn khi tổ chức; ưu tiên tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống, chăm sóc các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn TP và phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” và các hoạt động trải nghiệm mang tính giáo dục về lịch sử, truyền thống cách mạng về nguồn, có tính giáo dục cao....

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần