Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học kinh doanh thương mại dịch vụ có thể đi làm ngay

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN muốn tồn tại phụ thuộc rất lớn vào việc bán được sản phẩm, dịch vụ của mình. Vì thế, bất kỳ DN nào cũng cần người bán hàng có kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp.

 Ảnh minh họa

Theo Trưởng khoa Du lịch Thương mại, trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long Lê Hải Hà, trường vừa đạt giải ba nghề kinh doanh thương mại dịch vụ (KDTMDV) tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018 cho biết: Công việc của những người học nghề KDTMDV là làm nhân viên bán hàng trong siêu thị, mô hình kinh doanh tiện ích, đại diện cho các nhãn hàng, tư vấn cho trung tâm thẩm mỹ hoặc tự mở cửa hàng hoạt động độc lập. Mức lương khởi điểm của người bán hàng trong siêu thị từ 4 – 5 triệu đồng/tháng, khi làm nhân viên kinh doanh đại diện cho các DN thu nhập 6 triệu đồng/tháng cộng với doanh số bán hàng.

Nhiều người cho rằng nghề nhân viên KDTMDV chỉ trong thời gian ngắn và ít có cơ hội phát triển, nhưng cô Hải Hà không nghĩ thế. “Sau một thời gian làm nhân viên bán hàng, các bạn có năng lực sẽ được đề bạt làm quản lý ngành hàng, quản lý thu mua. Học trò của tôi, nhiều bạn trước đây là nhân viên bán hàng giờ trở thành Giám đốc đại diện cho cả siêu thị” – cô Hà cho hay. Tuy nhiên, để thăng tiến được, đầu tiên các bạn cần tham gia khóa học dài 3 năm (với người tốt nghiệp THCS) hoặc 2 năm khi đã có bằng THPT. Ngoài khối kiến thức chung bắt buộc theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT, người học sẽ được trang bị các modun chuyên môn về kho hàng, giao nhận hàng hóa, nghiệp vụ bán hàng tại quầy, kế toán bán hàng, bán hàng lưu động, chăm sóc khách hàng… Khi học mỗi modun, người học sẽ được nhà trường đưa đến DN thực tập luôn nội dung đã học… Sau khi tốt nghiệp, tùy theo nhu cầu, các bạn có thể tham gia một vài khóa ngắn hạn để bổ sung các kỹ năng nâng cao phục vụ công việc như quản lý nhân sự trong siêu thị, kiến thức ngành hàng, bảo trì thiết bị trong DN bán hàng…

Hiện nay có nhiều trường đã và đang mở mã ngành KDTMDV. Là trường đào tạo nghề này gần như đầu tiên nên trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long đã hợp tác với nhiều DN siêu thị lớn (BigC, Vinmart, HC, Media, Trần Anh…) để chuyển giao công nghệ đào tạo, góp ý chương trình, đào tạo theo hợp đồng, tuyển dụng nhân sự khi người học tốt nghiệp. Cô Hải Hà cho biết, để có thể trụ vững với công việc KDTMDV cũng như có cơ hội phát triển, rất cần người làm nghề có sự đam mê, nhiệt tình, ham học hỏi, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Và, dựa trên cơ sở kiến thức, kỹ năng đã có, nhân viên KDTMDV phải thấy chương trình mới của DN đưa ra có mục tiêu cuối cùng là gì, từ đó có đề xuất các hoạt động giúp DN phát triển thì sẽ được ghi nhận.