Học phí tương ứng chất lượng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hình thức tự chủ "nửa vời" dẫn đến nhiều bất cập trong cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học (GDĐH): Thu không đủ chi, phân bổ ngân sách Nhà nước chưa gắn với nhu cầu đào tạo… Đó là tâm điểm của hội thảo "Đổi mới cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học" do Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức cuối tuần qua.

Tự chủ “đóng kín”

Đổi mới cơ chế tài chính đối với GDĐH được khẳng định là cần thiết và đã cụ thể hóa bằng nhiều chính sách, văn bản. Tuy nhiên, cơ chế tài chính đối với các trường ĐH hiện bộc lộ nhiều bất cập như thấp, không bù đắp chi thường xuyên. Đồng thời, có sự bất bình đẳng giữa các trường tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động và các trường công lập được ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên hàng năm. TS Vũ Trường Giang, Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng: "Tại các trường thí điểm tự chủ tài chính, thu không đủ bù chi do trần học phí bị khống chế, các cơ sở đào tạo vẫn phải thực hiện mức thu học phí trong trần quy định thấp, chỉ tiêu tuyển sinh cũng bị giới hạn nên các trường không thể tăng thu thêm... Mức học phí được điều chỉnh theo lộ trình tăng dần 20 - 25%/năm, nhưng đến năm 2015 mức thu học phí cũng chỉ đáp ứng được 40 - 50% chi phí đào tạo cần thiết".

 
Học phí tương ứng chất lượng - Ảnh 1

Giờ học của sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học FPT.Ảnh: Ngọc Bích
 
Do bị khống chế về trần học phí nên để có thêm nguồn thu, các cơ sở GDĐH công lập buộc phải tăng số lượng và quy mô học sinh đào tạo không chính quy, liên kết. Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân, suất chi thường xuyên tính trên một đầu sinh viên thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực và thế giới. Với mức lương trung bình giảng viên hệ ĐH quá thấp (2,55 triệu đồng năm 2011 và dự kiến 5,1 triệu đồng năm 2015), tới năm 2015, giảng viên giỏi có thể sẽ chuyển nghề hoặc chuyển sang các trường tư thục hay các trường có đầu tư nước ngoài.

Thí điểm đóng học phí cao ở một số ngành

Việc mở rộng quyền tự chủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với nhóm các cơ sở GDĐH công lập có đào tạo các chuyên ngành có nhu cầu cao trên thị trường là vấn đề cần tính đến. Ông Vũ Trường Giang cho biết, Bộ Tài chính đang cùng một số trường ĐH nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm việc tự chủ tài chính cho một số ngành đào tạo, dự kiến trình Chính phủ phê duyệt vào quý IV này và sẽ thực hiện vào năm 2013.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phùng Xuân Nhạ, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng: Cần chọn thí điểm các trường được quyền tự chủ theo hướng đầu tư có chiều sâu, các trường nên lựa chọn ngành, chuyên ngành phù hợp với yêu cầu thực tế để thực hiện thí điểm. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh khẳng định: “Theo định hướng dự kiến đổi mới này, chi phí cho GDĐH phải được tính đủ. Theo tôi, giáo dục là một dịch vụ và phải tính đủ giá dịch vụ".

Tuy chủ trương này được coi là cởi mở hơn, nhưng đại diện các trường cũng lưu ý rằng, phải kiểm soát được việc chi phí của các trường, nếu không cơ sở giáo dục sẽ chi không đúng. Và quan trọng hơn là kiểm soát chất lượng cho tương xứng với đồng tiền bát gạo.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần