Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine

Anh Kiệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine nhằm đảm bảo “nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài” cho Kiev.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 23/2 đã thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi Nga chấm dứt hành động quân sự và rút quân khỏi Ukraine trước thềm tròn một năm xung đột vũ trang giữa hai nước, theo hãng tin Reuters.

Dự thảo do Ukraine biên soạn với sự tham vấn của các nước đồng minh, nhận được 141 phiếu ủng hộ trong số 193 thành viên tham gia. Có 7 quốc gia bỏ phiếu chống gồm Nga, Belarus, Nicaragua, Syria, Triều Tiên, Eritrea và Mali. Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong số 32 nước bỏ phiếu trắng.

Nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ đối với “chủ quyền” và “toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine, bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Nga đối với các phần lãnh thổ mới chiếm đóng.

Kết quả bỏ phiếu được hiển thị trên màn hình trong cuộc họp ngày 23/2 tại trụ sở LHQ ở TP New York (Mỹ). Ảnh: Reuters  
Kết quả bỏ phiếu được hiển thị trên màn hình trong cuộc họp ngày 23/2 tại trụ sở LHQ ở TP New York (Mỹ). Ảnh: Reuters  

Nghị quyết cũng yêu cầu “Nga ngay lập tức rút tất cả các lực lượng quân sự khỏi lãnh thổ Ukraine trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận, một cách vô điều kiện” và kêu gọi “chấm dứt mọi hoạt động thù địch”.

Đại hội đồng LHQ cũng kêu gọi xây dựng “nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài” tại Ukraine.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng kết quả bỏ phiếu là bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy không chỉ phương Tây ủng hộ Ukraine. “Cuộc bỏ phiếu này đã thách thức lập luận rằng các nước ở nam bán cầu không đứng về phía Ukraine. Nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh đã bỏ phiếu thuận cho nghị quyết. Sự ủng hộ dành cho Ukraine ngày càng mở rộng và sẽ tiếp tục được củng cố,” ông khẳng định.

Ngoại trưởng Dmytro Kuleba tiếp tục vận động cộng đồng quốc tế “chọn phe giữa thiện và ác”!

Về phía mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi nghị quyết cho thấy rõ sự ủng hộ toàn cầu dành cho đất nước ông không suy chuyển sau một năm.

Tuy nhiên, Ukraine trên thực tế không cải thiện được số phiếu ủng hộ cho các nghị quyết phản đối Nga. Trong lần biểu quyết vào tháng 10/2022, nghị quyết phản đối Nga sáp nhập 4 tỉnh Ukraine vào lãnh thổ đã nhận được 143 phiếu thuận.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield, nhận định nghị quyết “sẽ đi vào lịch sử và thể hiện lập trường quốc tế về hòa bình”.

Trong khi đó, Đại diện thường trực của Nga tại LHQ, ông Vasily Nebenzya, gọi Ukraine là “tân phát xít”, cáo buộc phương Tây đang lợi dụng Ukraine và hy sinh lợi ích của các nước đang phát triển để thỏa mãn tham vọng đánh bại Nga.

Ông chỉ trích nghị quyết “thiếu cân bằng và bài xích Nga”. “Họ sẵn sàng nhấn chìm cả thế giới vào vực thẳm chiến tranh nhằm duy trì quyền bá chủ của mình,” Vasily Nebenzya nhấn mạnh.

Phó đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy nói nghị quyết vừa được thông qua ở Đại hội đồng là “vô dụng”, trong khi Belarus bỏ phiếu phản đối nghị quyết vì Đại hội đồng không chấp nhận bổ sung kêu gọi “ngừng bơm vũ khí sát thương cho các bên để ngăn xung đột leo thang”.

Ông Polyanskiy nhấn mạnh nghị quyết sẽ không mang lại hòa bình mà chỉ kích động thêm các lực lượng hiếu chiến, “khiến cho thảm kịch Ukraine còn kéo dài”.

Phó đại sứ Trung Quốc tại LHQ Đới Binh phát biểu: “Chúng tôi ủng hộ Nga và Ukraine xích lại gần nhau. Cộng đồng quốc tế nên cùng nỗ lực để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình”.

Điều cần lưu ý là các nỗ lực phản đối Nga tại Hội đồng Bảo an LHQ bằng những nghị quyết đều bị Nga dùng quyền phủ quyết do Moscow là thành viên thường trực.

Cuộc bỏ phiếu được tổ chức sau hai ngày tranh luận tại Đại hội đồng. Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ không mang tính ràng buộc thực thi về mặt pháp lý, mà mang tính biểu tượng, thể hiện sự nhất trí của cộng đồng quốc tế trong việc kêu gọi các bên liên quan tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho các vấn đề xung đột.