Hồi hộp chờ số liệu lạm phát, chứng khoán Mỹ bất ngờ tăng mạnh

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đảo chiều đi lên trong phiên ngày 10/7, khi nhà đầu tư chuẩn bị đón nhận một loạt dữ liệu lạm phát công bố vào cuối tuần này.

Chỉ số Dow Jones tăng hơn 200 điểm  trong ngày 10/7. Ảnh CNBC
Chỉ số Dow Jones tăng hơn 200 điểm  trong ngày 10/7. Ảnh CNBC

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số Dow Jones leo dốc 209,52 điểm (tương đương 0,62%) lên 33.944,40 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 0,24% lên 4.409,53 điểm, và Nasdaq Composite nhích 0,18% lên 13.685,48 điểm. Các chỉ số chính đều kết thúc chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp.

Nhà đầu tư trên sàn Phố Wall đang giữ tâm lý chờ đợi trước khi các báo cáo lạm phát tháng 6 được Bộ Lao động Mỹ công bố trong tuần này. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ được công bố vào ngày thứ Tư và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Năm.

Các dữ liệu này sẽ phác ra một bức tranh cụ thể hơn về đường đi của lạm phát, từ đó giúp nhà đầu tư dự đoán về định hướng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Nhận định trên kênh CNBC, chuyên gia Tom Lee, người sáng lập và trưởng bộ phận nghiên cứu tại Fundstrat Global Advisors, nói rằng lạm phát sẽ tăng ít hơn dự kiến và thúc đẩy một đợt tăng giá của chứng khoán. 

Tuần trước, S&P 500 đã giảm 1,16%, trong khi Nasdaq Composite và Dow Jones lần lượt sụt 0,92% và 1,96%.

Thị trường hiện đang kỳ vọng gần như chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày 25-26/7, nhưng còn tranh cãi về việc Fed sẽ làm gì trong cuộc họp tháng 9.

Các hợp đồng tương lai hiện phản ánh khả năng 90% Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7, lên mức 5,25-5,5%.

Phát biểu ngày thứ Hai, một số quan chức Fed nói rằng ngân hàng Trung ương Mỹ có thể sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất để giảm lạm phát, nhưng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ hiện tại của họ sắp đi đến hồi kết.

Ông Michael Barr, Phó chủ tịch phụ trách vấn đề giám sát của Fed cho biết: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở rất gần đoạn kết của chu kỳ thắt chặt này”.

Các số liệu kinh tế Mỹ công bố gần đây, bao gồm số liệu việc làm, cho thấy nền kinh tế đã có những dấu hiệu yếu đi do nỗ lực chống lạm phát của Fed, nhưng chưa giảm tốc nhanh để đạt mức mục tiêu 2% của ngân hàng Trung ương Mỹ.

Tuần này cũng là thời điểm khởi động mùa báo cáo tài chính quý II, với loạt kết quả kinh doanh đầu tiên đến từ các định chế tài chính có tầm quan trọng như Wells Fargo, JPMorgan Chase và Citigroup.

Các chiến lược gia của ngân hàng Morgan Stanley cảnh báo rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ sẽ chịu áp lực trong nửa cuối năm nay do chi phí vẫn ở mức cao.

Theo chuyên gia kinh tế cấp cao Andrew Patterson tại Vanguard, chứng khoán Phố Wall có thể biến động vào cuối năm nay sau khi đạt định giá cao. 

“Chúng tôi tin rằng thị trường cổ phiếu đang hướng tới mức định giá cao hơn trong phạm vi giá trị hợp lý mà Vanguard ước tính. Vì vậy, thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ bị kéo căng một chút” - ông Patterson đánh giá.

Đề cập đến các yếu tố khác như chính sách của Fed, ông Patterson dự báo nguy cơ dẫn đến suy thoái vẫn còn khi ngân hàng trung ương Mỹ quyết đạt đạt mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%.

Trong khi đó, các chiến lược gia của ngân hàng Citi hôm 10/7 hạ đánh giá chứng khoán Mỹ sau nửa đầu năm 2023 leo dốc mạnh mẽ. Các chuyên gia lý giải rằng suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của doanh nghiệp. 

Citi đã hạ xếp hạng của chứng khoán Mỹ từ tăng tỷ trọng xuống mức trung lập. Ngân hàng này dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ giảm khoảng 9% và kết thúc năm 2023 ở mức 4.000 điểm. 

Các chiến lược gia của Citi lưu ý thêm: “Sau nửa đầu năm tăng mạnh, thành tích vượt trội của chứng khoán Mỹ có thể tạm dừng”. Theo các chuyên gia của Citi, nhóm cổ phiếu tăng trưởng vốn hóa siêu lớn sẽ đi xuống, trong khi suy thoái tại Mỹ vẫn có thể xảy ra.