Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị cấp cao ASEAN: Cơ hội củng cố đoàn kết

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn ra trong bối cảnh đánh dấu chặng đường 50 năm thành lập, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 là dấu mốc quan trọng để khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN.

Hội nghị cấp cao thường niên ASEAN lần thứ 30 là sự kiện quan trọng, mở đầu cho các hoạt động chính thức của Năm ASEAN 2017 do Philippines đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên, đồng thời đánh dấu mốc đầu tiên kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN (1967 - 2017).
 Năm 2017 đánh dấu 50 năm thành lập ASEAN.
Với chủ đề “Chung tay đổi thay, Kết nối toàn cầu”, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 là dịp để các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác trao đổi, thảo luận nhằm triển khai hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2015 và các Kế hoạch đi kèm; bàn phương hướng, biện pháp tăng cường liên kết ASEAN, củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và các đối tác.
ASEAN bước vào năm kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và là năm thứ 2 hình thành Cộng đồng ASEAN với những kết quả tích cực trong thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể trên cả 3 trụ cột Cộng đồng.
Về chính trị - an ninh, 217/209 (gần 75%) dòng hành động đang được triển khai ở mức  độ khác nhau. Về kinh tế, ASEAN đã thực hiện được 532/611 (87%) biện pháp trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2025, và khởi đầu triển khai Kế hoạch Hành động Chiến lược tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015.
Về văn hóa xã hội, ASEAN đang tích cực cụ thể hóa Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC) với 109 dòng hành động. Hiện có luồng ý kiến cho rằng, ASEAN đang có xu hướng thiếu đoàn kết trong giải quyết một số vấn đề của khối. Song trên thực tế, ASEAN sẽ vẫn nỗ lực đề cao giá trị tự thân của khối, tránh để sự chi phối của bên ngoài làm lỏng lẻo mối quan hệ mà ASEAN có giá trị riêng trong vòng 50 năm qua.
Đánh giá về những thách thức sắp tới của ASEAN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam nhận định: “Trong bối cảnh tình hình thế giới mà người ta gọi là nhiễu động, tức là nhiều biến động thay đổi khó dự đoán. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn tiếp tục là nơi cọ xát chiến lược giữa các nước lớn. Trong nội bộ nhiều nước ASEAN cũng có những thay đổi về chính trị. Trong bối cảnh như vậy, thách thức lớn nhất đối với ASEAN là làm sao giữ được bản sắc, giữ được độc lập, tự chủ trong quyết định chính sách của ASEAN, giữ được vai trò nòng cốt trong các cơ chế hợp tác khu vực và có thể đóng góp vào các vấn đề của thế giới”.
Những thách thức này đòi hỏi một quyết tâm rất lớn của các nước thành viên ASEAN nhằm đưa khu vực phát triển đúng mục tiêu mà khối đã đề ra. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ tập trung thảo luận sâu vào các vấn đề phát triển chung của khối. Đó là thúc đẩy các nỗ lực về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, trong đó triển khai hiệu quả Chương trình Công tác giai đoạn 3 của Sáng kiến liên kết ASEAN và Kế hoạch Tổng thể về kết nối 2025.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ ký kết 1 văn kiện là Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; ghi nhận 5 văn kiện và Philipines sẽ ra Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 dự kiến sẽ tiến hành nhiều phiên họp, trong đó có phiên khai mạc và bế mạc; đồng thời cũng sẽ diễn ra cuộc gặp giữa các nhà Lãnh đạo ASEAN với đại diện của Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) và đại diện Thanh niên ASEAN. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng sẽ thảo luận đề các vấn đề mà khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Ngoài ra, một trong những vấn đề được dư luận chờ đợi là các cuộc thảo luận về những tranh chấp ở Biển Đông.