Hội nghị Chính hiệp Trung Quốc: Tìm cách khắc phục lỗ hổng kinh tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 3/3, kỳ họp lần thứ ba, khóa XII Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) đã khai mạc tại Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang, Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh, nhiều lãnh đạo cấp cao cùng 2.153 đại biểu đã tham dự hội nghị.

Tại lễ khai mạc, Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh đã đọc báo cáo công tác của Uỷ ban thường vụ CPPCC trong năm 2014, cam kết nỗ lực hơn nữa nhằm tiếp tục thực hiện những cải cách, đồng thời đặt ra những mục tiêu mới cho năm 2015.

 
Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh đọc báo cáo tại Hội nghị. 	Ảnh: TÂN HOA XÃ
Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh đọc báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Diễn ra trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục chững lại, hội nghị lần này tập trung kiểm điểm những biện pháp cải cách đã thực hiện trong năm ngoái và vạch kế hoạch kinh tế cho năm nay. Trên thực tế, nền kinh tế Trung Quốc, vốn được kỳ vọng sẽ vượt qua Mỹ trong thời gian tới đã bộc lộ nhiều lỗ hổng đáng lo ngại. Nợ xấu, cổ phiếu đắt đỏ và bong bóng bất động sản… đang gây áp lực cho hệ thống tài chính vốn mong manh của nền kinh tế Trung Quốc. Những rủi ro này rất giống với đặc điểm của kinh tế Nhật Bản một năm trước khi sụp đổ, ngoài ra cùng với tình trạng già hóa dân số kéo theo gánh nặng của hệ thống lương hưu và chi phí chăm sóc y tế có thể khiến Trung Quốc trở thành “cựu siêu cường”.
Báo cáo được ông Du Chính Thanh đọc tại lễ khai mạc cho thấy, ít nhất 14 nhân vật cấp cao của CPPCC đã bị miễn nhiệm và bãi nhiệm do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Trong đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia CPPCC Lệnh Kế Hoạch đã bị bãi nhiệm còn nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia CPPCC Tô Vinh bị khai trừ khỏi đảng, tước bỏ mọi chức vụ và tiến hành điều tra với cáo buộc “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.

Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2013 chỉ bằng một nửa so với Nhật Bản trong những năm 1960 nên sự khác biệt trong trình độ phát triển sẽ khiến mức độ hậu quả của cú sốc kinh tế mà Trung Quốc phải gánh chịu sẽ lớn hơn Nhật Bản rất nhiều. Đó là chưa kể đến tổng nợ của Trung Quốc năm 2014 theo ước tính của Viện McKinsey Global gồm khoản vay của các hộ gia đình, ngân hàng, chính phủ và các công ty đã tăng tới 282% so với GDP từ mức 121% của năm 2000. Con số này đã lấy đi rất nhiều sự tự tin của nhà đầu tư với độ an toàn tín dụng của Trung Quốc. Thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm 3/3 ghi nhận phiên giảm điểm đầu tiên trong 4 ngày qua đã phản ánh những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, rủi ro tín dụng của nhà đầu tư là hoàn toàn có thật.

Một trong những nội dung trọng tâm của hội nghị CPPCC lần này được xác định là tìm giải pháp để bịt kín các lỗ hổng của nền kinh tế, kích thích tăng trưởng cho thấy, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã nhận ra được những nguy cơ của nền kinh tế và đang gấp rút tìm cách để khắc phục. Tuy nhiên, dù những quyết sách được đưa ra sau hội nghị CPPCC lần này có thể ngăn chặn được “thập kỷ mất mát” mà Nhật Bản phải chật vật đối phó suốt 25 năm qua nhưng giấc mơ trở thành siêu cường kinh tế của Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.