Hội nghị COP-21 và nhiệm vụ giải cứu thế giới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Thủ đô Paris của nước Pháp đang có một hội nghị quốc tế thuộc diện quy mô đồ sộ nhất nhì thế giới, và mục đích của sự kiện này là cứu vớt thế giới.

Không phải như thế sao khi mục đích ấy là có được thỏa thuận mới mang tính ràng buộc cho tất cả các thành viên của Liên Hợp quốc (LHQ) về bảo vệ khí hậu Trái đất, cụ thể là cắt giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm mức độ gia tăng của nhiệt độ của Trái đất. Không bảo vệ được khí hậu trên Trái đất thì không thể duy trì được môi trường sống của nhân loại. Sứ mệnh của sự kiện này vì thế là giải cứu thế giới.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ý tưởng thật tốt đẹp và đáng khích lệ. Việc tổ chức hội nghị này là rất cần thiết. Nó tiếp nối rất nhiều hội nghị quốc tế mà LHQ đã tổ chức trước đó về bảo vệ khí hậu Trái đất. Nó duy trì tính liên tục và thời sự của chủ đề bảo vệ khí hậu Trái đất. Nó cho thấy nhân loại không nản chí bởi thất bại hoặc tiến triển rất chậm chạp ở những hội nghị trước đó.

Nhưng việc hoàn thành sứ mệnh giải cứu thế giới thật không dễ dàng. Cách tiếp cận từ trước tới nay là đề ra mục tiêu giữ cho nhiệt độ của Trái đất không tăng quá 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp và ràng buộc tất cả các thành viên LHQ vào trách nhiệm cùng nhau đạt được mục tiêu này. Vào thời điểm khởi động tiến trình bảo vệ khí hậu Trái đất với vai trò trung tâm do LHQ đảm nhận, cách tiếp cận này rất thực tế, nhưng rồi theo thời gian và do sự tham gia thật sự không xây dựng của những nền kinh tế sản xuất ra khối lượng lớn nhất khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cách tiếp cận nói trên trở nên "lý tưởng" và vì thế không đưa đến kết quả như mong đợi.

Ở hội nghị lần này, các thành viên tham dự chắc chắn vẫn muốn duy trì cách tiếp cận ấy nhưng cũng đã có không ít dấu hiệu cho thấy đang có nhận thức ngày càng phổ biến về sự cần thiết phải có cách tiếp cận mới. Đó là cách tiếp cận: Không tiếp tục bám giữ vào những con số cố định (như mức 20C) lâu nay nữa mà chuyển sang tập trung vào những gì có thể làm được, chuyển định hướng từ vào "mục tiêu lý tưởng" sang mục tiêu khả thi.

Với cách tiếp cận mới này, hội nghị có thể đạt được tiến triển ở mức độ nếu chưa được là sự khai thông đột phá thì ít nhất cũng như một sự khởi hành mới hướng tới đích cuối cùng. Muốn giải cứu thế giới thì ngay từ bây giờ làm ngay những gì có thể làm được, và ai làm được gì thì cần làm chứ không nên ngồi không chờ đợi đến khi có được hiệp ước mới, và không nên sa đà vào cuộc tranh luận đổ lỗi cho nhau và phán xét ai được làm ít, ai phải làm nhiều. Bởi thế, cho dù ai cũng hy vọng hội nghị thành công nhưng khả năng hội nghị thất bại vẫn không phải không có.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần