Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã chính thức khai mạc tối 31/10 (theo giờ Việt Nam) tại Glasgow, Anh.
Hội nghị có sự tham gia của 200 quốc gia. Sau 1 năm bị hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, COP26 sẽ có một chương trình nghị sự rất bận rộn bên cạnh các mục tiêu chính. Sau phiên khai mạc, trong các ngày 1 và 2/11 sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu với sự tham gia của đông đảo các nhà lãnh đạo thế giới
Hội nghị sẽ chứng kiến nỗ lực của các nhà đàm phán nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng kể từ khi Hiệp định Khí hậu Paris 2015 được ký kết, đồng thời tìm cách giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C trong thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các nhà khoa học cảnh báo cơ hội hiện thực hóa mục tiêu đã được thống nhất tại Paris (Pháp) năm 2015 đang dần tuột mất. Thế giới đã ấm lên hơn 1,1 độ C và các dự báo hiện tại dựa trên kế hoạch cắt giảm lượng khí thải trong thập kỷ tới chỉ ra rằng nhiệt độ Trái Đất có thể tăng thêm đến 2,7 độ C vào năm 2100.
Giới chuyên gia cảnh báo năng lượng được giải phóng bởi tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ làm tan chảy phần lớn băng của Trái Đất, làm tăng mực nước biển và tăng đáng kể khả năng xảy ra cũng như mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Phát biểu khai mạc hội nghị COP26, Chủ tịch COP26 Alok Sharma kêu gọi các nước cùng nhau hành động để ngăn chặn những tác động thảm khốc nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu.
Ông Sharma nhấn mạnh hội nghị này sẽ là "cơ may cuối cùng và tốt nhất" để khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. “Chúng ta cần phải hành động ngay để giữ nhiệt độ tăng không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ. Chúng ta cần một thập kỷ với các mục tiêu cao hơn và hành động khẩn trương hơn. Những gì chúng ta cần đạt được tại Glasgow là có thể dõng dạc tuyên bố 'chúng ta đã giữ được mục tiêu 1,5 độ C'", ông Sharma nói với Sky News.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, bà Patricia Espinosa cho biết những thiệt hại nặng nề về nhân mạng và sinh kế trong năm nay do các hiện tượng thời tiết cực đoan càng cho thấy rõ hơn vai trò quan trọng của việc tổ chức COP26, mặc dù những tác động của đại dịch Covid-19 vẫn nặng nề.
“Chúng ta có thể chứng kiến nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2,7 độ C, trong khi mục tiêu hướng tới chỉ là 1,5 độ C. Chúng ta đang trong tình trạng nguy cấp về khí hậu và cần phải tập trung giải quyết vấn đề này, đặc biệt là hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất ứng phó với thảm họa khí hậu. Để đạt được thành công, những mục tiêu tham vọng hơn là rất quan trọng”, bà Espinosa nhấn mạnh.
Hiệp định Paris 2015 đã ấn định giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và tốt nhất là 1,5 độ C. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề phải giải quyết sau thỏa thuận này, trong khi nỗ lực giảm khí thải thời gian qua chưa đủ để ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu đang ngày càng nghiêm trọng.
“Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc thúc đẩy COP26 diễn ra thành công. Vì vậy, chúng ta cần có sự thống nhất về mục đích để đưa ra các giải pháp khả thi, đầy tham vọng nhằm duy trì mục tiêu 1,5 C”, bà Espinosa nhấn mạnh.
Theo đó, thế giới cần hành động mạnh mẽ hơn để đạt được tiến bộ trên tất cả các mặt của chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu, bao gồm giảm lượng khí thải, đưa thích ứng vào trung tâm của chương trình nghị sự, giải quyết những thiệt hại do các hiện tượng khí hậu cực đoan gây ra, và tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển.
Một vấn đề trọng tâm là bảo đảm mục tiêu huy động 100 tỷ USD hàng năm từ các nước giàu kể từ năm 2020 để hỗ trợ cho các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là việc thực hiện đầy đủ các cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.