Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị hòa bình Ukraine ở Saudi sẽ thành công khi thiếu vắng Nga?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị hòa bình Ukraine sẽ được tổ chức tại thành phố Jeddah của Ả Rập Saudi cuối tuần này. Nhiều nước phương Tây và các nước đang phát triển dự kiến sẽ dự hội nghị, nhưng không có Nga.

Tổng thống  Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm Ả Rập Saudi hồi tháng 5/2023. Ảnh: Reuters
Tổng thống  Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm Ả Rập Saudi hồi tháng 5/2023. Ảnh: Reuters

Giới quan sát đang hướng tới hội nghị diễn ra ở Ả Rập Saudi từ ngày 5-6/8 nhằm tìm kiếm hòa bình cho Ukraine, theo thông tin được đưa trên tờ Wall Street Journal.

Nhưng điều đáng chú ý của hội nghị hòa bình mà Ả Rập Saudi sẽ tổ chức là Nga không được mời tham dự, mặc dù danh khách khách mời lên tới gần 30 quốc gia. Điều này khiến không ít chuyên gia đặt câu hỏi về mục đích cũng như hiệu quả của hội nghị, bởi bất cứ thỏa thuận nào đạt được liên quan đến cuộc xung đột Ukraine mà không có sự đồng thuận của Nga đều không có nhiều ý nghĩa.

Vương quốc Anh, Nam Phi, Ba Lan và Liên minh châu Âu (EU) đều đã xác nhận tham dự sự kiện. Đài CNN cho biết tham dự phía Mỹ có Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan. Theo tờ Wall Street Journal, Ấn Độ và Brazil cũng đã được mời đến hội nghị hòa bình sắp tới tại Jeddah.

Theo đài CNN, Ả Rập Saudi được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị một phần vì mối quan hệ của nước này với Trung Quốc. Dù Bắc Kinh dự kiến sẽ không tham dự hội nghị sắp tới, giới chức Mỹ gần đây liên tục hối thúc Trung Quốc đóng vai trò xây dựng để giúp kết thúc xung đột ở Ukraine, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ có bất kỳ bước đi đột phá nào.

Sự kiện tại Ả Rập Saudi là hội nghị thứ hai trong hàng loạt hội nghị về Ukraine. Hội nghị đầu tiên diễn ra vào đầu mùa hè năm nay tại Copenhagen (Đan Mạch).

Nga sẽ giám sát

Theo tờ Wall Street Journal, hội nghị sắp tới được thiết kế nhằm tập trung sự ủng hộ quốc tế với một thỏa thuận hòa bình, có lợi cho lập trường của Ukraine. Các đồng minh phương Tây của Ukraine như Mỹ có thể sẽ cố gắng thuyết phục các nước như Ấn Độ và Brazil ủng hộ kế hoạch hòa bình của Ukraine.

Trong khi đó, Điện Kremlin tuyên bố Nga sẽ “giám sát” hội nghị về Ukraine tại Ả Rập Saudi.  Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhắc lại quan điểm của Nga rằng họ không có bất kỳ "điều kiện tiên quyết" nào đối với giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine, nhưng cho rằng Kiev không muốn hòa bình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cho biết sẽ không thể có lệnh ngừng bắn trong khi các lực lượng Ukraine đang thực hiện chiến dịch phản công với quy mô lớn.

Khó có đột phá

Ukraine hy vọng nhân hội nghị này chia sẻ các nguyên tắc nhằm chấm dứt chiến tranh và muốn có một hội nghị thượng đỉnh về hòa bình vào cuối năm nay với sự tham gia các lãnh đạo toàn cầu để ủng hộ các nguyên tắc đó.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng hội nghị hòa bình ở Ả Rập Saudi sẽ không mang lại “kết thúc ngoại giao” cho cuộc chiến Ukraine.

Phát biểu với tờ Newsweek đầu tuần này, giáo sư Javed Ali tại ĐH Michigan (Mỹ) và là cựu giám đốc cấp cao về chống khủng bố tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng việc Nga không tham gia hội nghị là “hạn chế nghiêm trọng”.

Giáo sư Ali nhấn mạnh: “Cả Nga và Ukraine đều không muốn tham gia một cách nghiêm túc vào các cuộc đàm phán hòa bình ở Ả Rập Saudi hoặc bất kỳ địa điểm nào khác, cho đến khi mỗi bên tin rằng họ đã đạt được nhiều tiến triển hơn trên chiến trường và củng cố sự ủng hộ chính trị với bất kỳ sáng kiến nào”.

Bản thân Nga cũng khẳng định rằng thời điểm này Moscow không thấy có cơ sở nào để đàm phán hòa bình với Kiev. Các quan chức Ukraine cũng tuyên bố sẽ không tham gia đàm phán với Nga trong khi nước này vẫn đang nắm giữ 1/5 lãnh thổ Ukraine.

Hiện cả hai bên vẫn bác yêu cầu của đối phương để kết thúc chiến tranh. Ukraine khẳng định điều kiện đàm phán tiên quyết phải không có sự hiện diện của Nga trên lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, Moscow yêu cầu chủ quyền với các phần lãnh thổ mà nước này coi là thuộc về Nga theo lịch sử.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 11/2022 đã vạch ra một kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm, trong đó có khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, yêu cầu quân đội Nga rút hoàn toàn, đảm bảo Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến. Nga bác bỏ kế hoạch này với hy vọng rằng một cuộc xung đột kéo dài sẽ buộc Ukraine phải nhượng bộ.