Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị thượng đỉnh G20: Cơ hội san bằng khác biệt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/9, Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc tại Hàng Châu (Trung Quốc).

Hội nghị lần này đánh dấu mong muốn hợp tác và đối thoại giữa các nền kinh tế lớn nhằm xóa bỏ bất đồng, san bằng những khác biệt và thúc đẩy kinh tế thế giới.

Tăng cường tìm tiếng nói chung

Với tổng kim ngạch ngoại thương và tổng sản phẩm nội địa (GDP) của các nền kinh tế trong nhóm lần lượt chiếm hơn 80% và 85% trên toàn cầu, G20 có vai trò hết sức quan trọng trong kinh tế thế giới. Hội nghị năm nay được xem là cơ hội tạo đà phục hồi cho nền kinh tế toàn cầu hiện đang chật vật sau khủng hoảng tài chính và hệ quả từ cuộc "ly hôn" giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU).

Hội nghị G20 lần này cũng đánh dấu một loạt cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo các nước nhằm tìm tiếng nói chung, giải quyết căng thẳng, san bằng những khác biệt. Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái khẳng định, Bắc Kinh và Washington có nhiều lợi ích chung hơn là những khác biệt và hy vọng mối quan hệ song phương sẽ đi đúng hướng. Tuy nhiên, trong cuộc hội đàm kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ, ông Obama cho rằng, Bắc Kinh nên tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) và các nghĩa vụ mà nước này đã ký theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Ngoài cuộc hội đàm giữa ông Obama và ông Tập Cận Bình, cuộc gặp song phương Nga - Thổ cũng thu hút nhiều sự quan tâm. Tối 3/9, sau khi đến Hàng Châu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Tổng thống Putin bày tỏ tin tưởng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm ổn định tình hình trong nước, từ đó thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên. Quan hệ giữa Moscow và Ankara đã có dấu hiệu ấm lên sau những bước đi hòa giải của Ankara hồi tháng 7 vừa qua. Thông tin Ngoại trưởng Nga - Mỹ gặp song phương tại Hàng Châu, với nội dung thảo luận chính là Syria cho thấy Hàng Châu đã trở thành điểm hẹn để giới chức quốc tế bàn thảo về các hồ sơ quốc tế "nóng". Tuy nhiên, việc tận dụng được cơ hội này đến đâu thì vẫn còn tùy thuộc vào cách tiếp cận của giới chức các nước tham gia hội nghị.

Dấu hỏi về công tác chuẩn bị

Trong lần đầu tiên đăng cai tổ chức các Hội nghị quan trọng của G20, trong năm qua, Trung Quốc đã đầu tư nhiều thời gian và công sức để tạo dựng hình ảnh đẹp của một cường quốc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, một số sự cố trong quá trình diễn ra hội nghị đã khiến truyền thông đặt dấu hỏi về khả năng đảm đương trọng trách tổ chức những sự kiện quốc tế lớn của Trung Quốc. Chỉ vài ngày trước khi hội nghị G20 diễn ra, sân bay Tiêu Sơn tại Hàng Châu bị đưa vào danh sách những sân bay tệ nhất Trung Quốc và bị cơ quan quản lý xử phạt vì tỷ lệ trễ giờ bay trong tháng 6 quá cao. Cục Quản lý Hàng không dân dụng Trung Quốc đã cấm sân bay Tiêu Sơn mở thêm giờ bay mới cũng như các chặng bay mới.
Hội nghị G20 được xem là cơ hội thúc đẩy nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng tài chính.
Hội nghị G20 được xem là cơ hội thúc đẩy nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng tài chính.

Thông tin một quan chức an ninh Trung Quốc chặn đường nữ Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice tại sân bay Hàng Châu khi bà nhấc dây thừng để đi bộ đến đoàn xe hộ tống ông Obama, sau đó còn lớn tiếng với nữ nhân viên Nhà Trắng, xua đuổi phóng viên đã làm xấu hình ảnh của nước chủ nhà. Dù Tổng thống Mỹ đã kêu gọi truyền thông không nên "thổi phồng" sự cố ở sân bay Hàng Châu, nhưng sự việc dường như đã đi quá xa buộc giới chức chủ nhà phải tiến hành chiến dịch xử lý sự cố "khủng hoảng" truyền thông này.