Thị trường “vàng đen" chứng kiến tháng leo dốc mạnh nhất từ trước đến nay nhờ nỗ lực cắt giảm lớn nguồn cung của các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt và nhu cầu phục hồi sau giai đoạn cách ly xã hội ngăn dịch Covid-19.
Giá dầu đã nhích hơn 5% trong phiên 29/5, ngày giao dịch cuối cùng của tháng, giúp hàng hóa này xác nhận tháng tăng mạnh nhất trong lịch sử.
Trong phiên cuối tuần, giá dầu WTI tăng 1,78 USD, tương đương 5,28% lên mức 35,49 USD/thùng sau khi giảm về 32,36 USD ở phiên trước đó do áp lực căng thẳng địa chính trị. Kết quả này giúp dầu thô Mỹ giao dịch trên sàn hàng hóa New York kết thúc tháng 5 với mức tăng 88%. Trong lịch sử, tháng tăng tốt của dầu WTI trước đó được ghi nhận vào tháng 9/1990 với mức tăng 44,6%.
Giá dầu thô Brent cũng nhích 0,11% khi chốt phiên 29/5, lên mức 35,33 USD. Tính chung trong tháng, dầu Brent cũng tăng gần 40%, mức tăng tốt nhất kể từ năm 1999.
Tuy nhiên, các chuyên gia không quá lạc quan về đà phục hồi gần 90% của giá dầu bởi trước đó "vàng đen" đã lao dốc thê thảm và mức giá hiện tại vẫn còn thấp hơn nhiều so với cao kỷ lục thiết lập hồi đầu năm. Nói cách khác, giá dầu WTI ở mức 35 USD mỗi thùng không phải là điều đáng để ăn mừng.
"Chắc chắn không phải điều đáng mừng khi giá dầu có tháng tăng cao nhất lịch sử", Regina Mayor, người đứng đầu mảng thị trường năng lượng của KPMG. "Mức thấp quanh ngưỡng 30 USD/thùng rõ ràng là tốt hơn thời điểm cuối tháng trước nhưng mức giá này chưa đủ để ngành sản xuất phục hồi hoạt động khai thác về mức bình thường”.
Trong tháng 4 vừa qua, khi hàng tỷ người trên khắp thế giới bị hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, nhu cầu đối với “vàng đen” đã sụt kỷ lục, khiến giá dầu lao dốc. Giá dầu ngọt nhẹ WTI đã lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận giảm xuống mức âm. Một phần của diễn biến này là do hợp đồng dầu giao tháng 5 hết hạn, nhưng điều này cũng phản ánh một thực tế rằng dầu không có người mua khi nhu cầu thực tế suy giảm.
Dữ liệu do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ vừa công bố cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 22/5, nhu cầu xăng đã tăng lên 7,3 triệu thùng/ngày. Điều này đánh dấu một sự cải thiện, mặc dù vẫn thấp hơn mức kỷ lục 9,3 triệu thùng/ngày cuối năm 2019. Khu vực lưu trữ tại Cushing, Oklahoma - điểm giao hàng chính với các hợp đồng dầu ngọt nhẹ WTI - giảm 3,4 triệu thùng, trong khi số nhà máy lọc dầu hoạt động cũng tăng lên 71% từ 69%.
Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu chủ chốt cũng thu hẹp sản lượng với tốc độ kỷ lục khi giá dầu giảm quá nhanh ảnh hưởng đến hoạt động của ngành năng lượng toàn cầu. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, đã đồng ý giảm 9,7 triệu thùng/ngày trong cuộc họp bất thường vào tháng 4.
Đến đầu tháng 5, Ả Rập Saudi cam kết sẽ tự nguyện giảm thêm 1 triệu thùng mỗi ngày từ đầu tháng 6, nằm ngoài thỏa thuận của OPEC+. Kuwait và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng cho biết sẽ giảm thêm sản lượng để cân băng cung-cầu trên thị trường nhiên liệu.
Tuy vậy, việc giảm mạnh nguồn cung của OPEC+ sẽ thu hẹp dần từ ngày 1/7 và nhóm này dự kiến quyết định xem có nên tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong cuộc họp ngày 9-10/6 hay không.
Tại Mỹ, sản lượng dầu thô cũng giảm xuống còn 11,4 triệu thùng/ngày, thấp hơn 1,9 triệu thùng dưới mức cao kỷ lục của tháng 3 là 13,1 triệu thùng.
Sự hoài nghi ngờ về khả năng OPEC+ sẽ gia hạn thỏa thuận giảm sâu sản lượng đã khiến một số chuyên gia lo ngại về ảnh hưởng đến thị trường dầu trong tuần đầu tháng 6, mặc dù WTI vừa xác lập tuần tăng giá thứ 5 liên tiếp.
Về yếu tố tác động đến thị trường trong ngắn hạn, một số nhà phân tích lo ngại sự phục hồi của giá dầu có thể khiến các nước thành viên OPEC+ khó tuân thủ đúng cam kết trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Chuyên gia Mayor nhận xét: “Tôi cho rằng triển vọng tăng trưởng nhu cầu không quá cao, trong khi đó thị trường năng lượng đang chịu sức ép từ việc một số nước sản xuất dầu mỏ lớn có thể đẩy mạnh hoạt động khai thác trở lại khi giá dầu phục hồi”./.