Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hồi tưởng lại "một thời để nhớ" của Việt Nam ở Liên Hợp quốc và tiến bước

Tú Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm, đã có những chuyển biến trở thành thách thức khi Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc.

Ngày 7/6/2019 (giờ địa phương) tại Trụ sở Liên Hợp quốc tại New York, Hoa Kỳ, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục - 192/193 phiếu.

Đại sứ Ngô Quang Xuân - Trưởng Phái đoàn Đại diện Việt Nam tại LHQ từ năm 1993 – 1999 đã chia sẻ về một thời kỳ Việt Nam dần phá thế bao vây cấm vận, trở thành đối tác tin cậy của LHQ, con đường dẫn đến những thành quả ngoại giao của Việt Nam cho đến nay.

“Một thời để nhớ”

Về giai đoạn khó khăn trước khi Việt Nam trở thành thành viên của LHQ (1977), Đại sứ Ngô Quang Xuân kể: “Cuối năm 1975 chúng ta đã cử hai đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam sang New York để vận động vào LHQ nhưng bị Mỹ phủ quyết. Một năm sau, năm 76, chúng ta thống nhất 2 miền về mặt nhà nước nhưng sang vẫn bị Mỹ phủ quyết”.

 Đại sứ Ngô Quang Xuân gặp chào Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan tại Trụ sở Liên Hợp quốc, tháng 11/1999.

Cho đến năm 1977, Việt Nam đàm phán tích cực ở Paris để bình thường hóa quan hệ với Mỹ không thành nhưng chính quyền Tổng thống Jimmy Carter đã không còn phản đối Việt Nam gia nhập LHQ. Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của LHQ. Sau đó, tháng 2/1979 Trung Quốc tấn công Việt Nam ở biên giới phía Bắc. Việc không thành, Trung Quốc sau đó cấu kết với Mỹ và ASEAN bao vây Việt Nam về chính trị, cấm vận về kinh tế. Năm 1976, các tổ chức ngân hàng, tài chính thế giới như World Bank, IMF bắt đầu có dự án hỗ trợ Việt Nam nhưng đều cấm vận khi liên minh này ra đời.

“Trong lúc đó, chính nhờ quan hệ với LHQ mình mới gỡ ra dần”, ông Xuân nhấn mạnh. Ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên, LHQ đã ký Nghị quyết 32/3 giúp Việt Nam khôi phục sau chiến tranh cũng kêu gọi toàn thế giới chung tay hỗ trợ vấn đề này.

Chia sẻ về thời điểm nhận chức Đại sứ Việt Nam, trưởng Phái đoàn đại diện tại LHQ ở New York, Mỹ vào mùa hè năm 1993, ông Xuân nói “Đó là lúc quan hệ Việt Nam - Mỹ còn căng thẳng”.

Năm 1992, Tổng thống Clinton lên nắm quyền, thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ. Đến năm 1993 thì bắt đầu có tín hiệu tốt trong chuyện bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và chính quyền Clinton. Chỉ một năm sau, 1994, WB và IMF bắt đầu bỏ cấm vận, chấp nhận cho Việt Nam vay lại.

Do bối cảnh lúc đó, hoạt động của Việt Nam tại LHQ trong những năm 1980 chỉ tập trung vào xử lý vấn đề Campuchia, bởi Trung Quốc, Mỹ, ASEAN tập trung cho là Việt Nam xâm lược. Nhưng đến năm 1993 thì lại có một thách thức khác vì vấn đề Campuchia không còn nữa nên nhiệm vụ của phái đoàn Việt Nam đã hoàn toàn biến chuyển.

Năm 1995, Việt Nam thay đổi phương thức và nội dung hoạt động tại diễn đàn đa phương này, từ đây tác động đến các diễn đàn đa phương khác. Thời kỳ 1996 - 1997, Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh hoạt động ở LHQ và bắt đầu có ý định tham gia vào các ban lãnh đạo của LHQ.

Theo đó, một chuỗi chiến dịch vận động ngoại giao đã được thực hiện vào năm 1997. Lần đầu tiên Việt Nam trúng cử phó chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 52; lần đầu tiên Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Kinh tế xã hội LHQ (ECOSOC), cơ quan lớn thứ 3 của LHQ; năm 1997 cũng là lần đầu tiên Việt Nam quyết định ứng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ.

“Năm 1999, trước khi tôi về đã đạt được đồng thuận, khu vực châu Á đã ra được quyết định. Năm 2008 - 2009 chỉ có một ứng cử viên duy nhất là Việt Nam”, ông Xuân kể.  

10 năm đã qua, nhiệm vụ mới chờ đón

Chia sẻ về vai trò của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an sắp tới, Đại sứ Ngô Quang Xuân cho biết “sau 10 năm, đã có những chuyển biến trở thành thách thức”.

Sự phức tạp của quan hệ địa chính trị trên thế giới khiến các cơ chế đa phương có dấu hiệu bị hạ thấp, trong khi đó, một số nước lớn hướng đến chủ nghĩa dân túy, nhất là Mỹ, tập trung vào lợi ích quốc gia thay vì lợi ích cộng đồng.

Bên cạnh đó, sau 10 năm, quan hệ giữa 3 nước lớn đang khó khăn, căng thẳng.

Trong khi Nga với Mỹ gia tăng cấm vận, dẫn đến thái độ thù địch gia tăng, phá vỡ mong muốn hợp tác trước đây; Trung Quốc và Mỹ giờ lại vướng vào tranh chấp phức tạp không chỉ ở lĩnh vực kinh tế. Ngay cả trong 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an nước nào cũng có vấn đề riêng.

Khi các nước lớn tìm cách kiềm chế khống chế nhau, các nước thành viên không thường trực bây giờ nắm vị trí trung gian, phải tham gia củng cố Hội đồng Bảo an. Đây là thách thức có thể nói là lớn nhất, không chỉ với riêng Việt Nam mà với các nước trong nhiệm kỳ tới đây bên cạnh những vấn đề phi truyền thống như biến đổi khí hậu...

“Năm 2020 Việt Nam lại là Chủ tịch ASEAN, LHQ cũng trông đợi đóng góp của Việt Nam ở chỗ là chúng ta sẽ hóa giải xung đột nội bộ ở khu vực này như thế nào, xử lý vấn đề ở Biển Đông ra sao thì những vấn đề của quốc tế cũng vậy”, ông Xuân nói.