Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 12.000 người thiệt mạng, ông Erdogan thừa nhận cứu hộ  ban đầu trục trặc

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thiệt hại khủng khiếp về người sau trận động đất mạnh 7,8 độ richter, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết công tác ứng phó ban đầu "có vấn đề".

Công tác ứng phó ban đầu có vấn đề

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trước các phóng viên tại Kahramanmaras ngày 8/2/2023. Ảnh: CNN
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trước các phóng viên tại Kahramanmaras ngày 8/2/2023. Ảnh: CNN

Tính đến sáng ngày 9/12, số người chết trong trận động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2 là 12.049 người. Tại Syria, có 2.992 người chết và 5.108 người bị thương.

Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, số người thiệt mạng tại nước này hiện là 9.057 và 52.979 người bị thương.

Con số này được cho là sẽ còn tăng vì động đất khiến hàng nghìn tòa nhà đổ sập tại nhiều thành phố, vùi lấp người dân lúc đang ngủ. Trong khi đó, thời tiết giá lạnh tại nhiều vùng chịu ảnh hưởng của động đất càng gây khó khăn cho công tác tìm kiếm và cứu những người mắc kẹt bên trong đống đổ nát.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có một số vấn đề trong công tác ứng phó ban đầu, song hiện các chiến dịch giải cứu đã trở lại bình thường.

Phát biểu trước báo giới trong chuyến thăm đầu tiên tới với tỉnh Kahramanmaras gần tâm chấn, ông Erdogan nói khó khăn đến từ giao thông khi nhiều tuyến đường và sân bay trục trặc trong ngày xảy ra động đất, nhưng mọi hoạt động đã trở lại bình thường sau đó.

Mặc dù thừa nhận vẫn còn tồn tại một số vấn đề về năng lượng, nhưng Tổng thống Erdogan khẳng định khó khăn sẽ sớm được khắc phục.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi người dân lắng nghe thông tin từ chính quyền khi dân chúng than phiền về tình trạng thiếu nguồn lực và phản ứng chậm chạp của giới chức.

Tổng thống Erdogan trước đó đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 10 tỉnh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, người dân ở một số thành phố bị tàn phá đã bày tỏ sự tức giận và thất vọng với chính quyền trước “thảm họa khủng khiếp nhất trong một thế kỷ". Cho đến nay, chính phủ đã điều động khoảng 60.000 nhân viên cứu hộ đến các vùng thiên tai.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ước tính khoảng 13,5 triệu người bị ảnh hưởng khi động đất làm rung chuyển cả một dải lãnh thổ kéo dài 450 km từ thành phố Adana ở miền Tây tới thành phố Diyarbakir ở miền Đông. Hơn 6.400 tòa nhà tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tàn phá trong trận động đất này.

Tổng thống Erdogan cho biết chính phủ dự định trong vòng 1 năm sẽ xây dựng nhà ở cho những người bị mất nhà cửa ở 10 tỉnh chịu ảnh hưởng. 

Liên minh châu Âu (EU) đã cử các đội tìm kiếm, cứu nạn đến trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi hệ thống vệ tinh Copernicus của khối được kích hoạt để cung cấp các dịch vụ lập bản đồ khẩn cấp. Ít nhất 19 quốc gia thành viên EU cũng như Mỹ, Nga, Israel, Anh, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lebanon, Algeria, Pakistan, Nhật, Thụy Sỹ, CH Séc… đã cử hoặc hứa gửi chuyên gia cứu hộ cùng đồ cứu trợ tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Đây được xem là trận động đất mạnh nhất trong gần một thế kỷ ở khu vực này. Báo New York Times dẫn lời Renato Solidum, Giám đốc Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines nhận định, năng lượng giải phóng ra từ trận động đất ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tương đương 32 quả bom nguyên tử đáp xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm.

Theo Cơ quan quản lý thảm họa và khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ, động đất đã san phẳng hơn 5.600 tòa nhà và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng của nước này. Các chuyên gia Mỹ ước tính, thiệt hại về kinh tế có thể tương đương 1% GDP của đất nước.

WHO cảnh báo cuộc khủng hoảng y tế thứ cấp

Sang ngày thứ ba sau động đất, quy mô khủng hoảng nhân đạo trở nên rõ ràng hơn khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính số người bị ảnh hưởng lên tới 23 triệu.

Những người tị nạn Syria tìm nơi trú ẩn ở ngoại ô thị trấn Jindayris do phe nổi dậy kiểm soát hôm 8/2. Ảnh: Getty
Những người tị nạn Syria tìm nơi trú ẩn ở ngoại ô thị trấn Jindayris do phe nổi dậy kiểm soát hôm 8/2. Ảnh: Getty

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Syria, nơi Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết gần 70% dân số sống nhờ hỗ trợ nhân đạo trước trận động đất, sau thảm họa này tình hình còn nghiêm trọng hơn.

Phát biểu tại một hội nghị hôm 8/2, tiến sĩ Adelheid Marschang, chuyên gia cấp cao của WHO cho biết: “Hiện đang gia tăng lo ngại về cuộc khủng hoảng y tế thứ cập do ảnh hưởng từ trận động đất mạnh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại Syria khi nguy cơ xuất hiện thêm các dịch bệnh như tả, bệnh đường hô hấp, bệnh leishmania”.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại một tòa nhà bị sập ở Aleppo, Syria hôm  8/2. Ảnh: AFP
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại một tòa nhà bị sập ở Aleppo, Syria hôm  8/2. Ảnh: AFP

Trao đổi với CNN, TS Bachir Tajaldin - Giám đốc quốc gia Tổ chức Hiệp hội y tế người Mỹ gốc Syria (SAMS) tại Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá rằng so với Thổ Nhĩ Kỳ thì tình hình ở Syria “thảm khốc hơn”. Theo ông, “tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ được điều phối thông qua một chính phủ sắp xếp rất tốt”, trong khi đó việc ứng phó khủng hoảng ở Syria rất khó khăn do kinh tế bắc Syria đã xấu đi nhiều sau hơn một thập niên xung đột.

LHQ cho biết đang tập trung vào các nhu cầu trước mắt như thực phẩm, chỗ ở, các mặt hàng phi thực phẩm và thuốc men. Tuy nhiên, con đường dẫn đến hành lang viện trợ nhân đạo duy nhất Bab al-Hawa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã bị hư hại.

Chính phủ Syria đã kêu gọi Mỹ và EU dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này để khắc phục thiệt hại trận động đất hôm 6/2.

Bộ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad hôm 8/2 hối thúc châu Âu gửi viện trợ, cho rằng các biện pháp trừng phạt cần được dỡ bỏ "càng sớm càng tốt".

Trước đó, Đại diện thường trực của Syria tại LHQ Bassam Sabbagh chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU chống lại Syria đang cản trở viện trợ khẩn cấp đến Syria. Ông cho biết “rất nhiều máy bay chở hàng từ chối hạ cánh xuống các sân bay ở Syria do lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu”, đồng thời kêu gọi các nước thành viên LHQ giúp đỡ.

Giới chức Syria hiện chưa đưa ra đánh giá sơ bộ về tổn thất trong thảm họa. Song, chính phủ nước này đã kêu gọi LHQ và mọi quốc gia thành viên trợ giúp họ vượt qua khó khăn.