Tối 28/4, tại Khu dịch vụ du lịch Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ khai mạc Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Việt Nam năm 2023.
Đến dự có Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, đại diện các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh thành lân cận. Đặc biệt, là các đầu bếp, nghệ nhân ẩm thực văn hóa đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam trong cả nước.
Lễ hội do Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức. Đây là sự kiện nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế và du lịch của Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng, góp phần tôn vinh và quảng bá nét đẹp văn hóa du lịch, ẩm thực Việt.
Với tinh thần của một lễ hội văn hóa tập trung ở mảng ẩm thực, chủ đề “Hồn dân tộc - Vị quê hương” mang ý nghĩa hội nhập và kết nối thông qua một hành trình trải nghiệm, khám phá. Không chỉ là những màu sắc dân gian, truyền thống của Việt Nam từ các vùng miền mà còn là thể hiện sự giao thoa, hội nhập, phát triển cùng thế giới.
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ 9 giờ đến 21 giờ hàng ngày xuyên suốt thời gian diễn ra Lễ hội (28 – 30/4/2023) tại Khu dịch vụ du lịch Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Lễ hội diễn ra với các hoạt động chính: Trình diễn tinh hoa ẩm thực Việt Nam với sự tham dự của các nghệ nhân 3 miền, được trình bày theo hình ảnh đặc trưng của các địa phương 3 miền, bao gồm: Khu gian hàng đặc sản miền Bắc, Khu gian hàng đặc sản miền Trung, Khu gian hàng đặc sản Quảng Trị và Khu gian hàng đặc sản miền Nam.
Quy mô khoảng 80 gian hàng, không gian âm nhạc ngoài trời và nhiều và các gian hàng đồ uống phong phú cho khách tham quan và trải nghiệm.
Trong đó, Quảng trị sẽ tham gia lễ hội với 23 gian hàng giới thiệu các món ẩm thực tiêu biểu của các huyện, thị xã, thành phố và các khách sạn lớn trên địa bàn Quảng Trị. Đây là dịp để Quảng Trị giới thiệu với du khách về những món ngon cũng như các địa danh tiêu biểu đến với bạn bè gần xa.
Từ những món dân dã, như gỏi nuốt hoa bần, bánh bột lọc, cháo cá vạt giường, bánh đúc rau câu… đến những món ngon mang thương hiệu của từng vùng đất Quảng Trị, như bún hến Mai Xá, bánh ướt Phương Lang, gà cùa Cam Lộ…
Ngoài ra, trong không gian của lễ hội là các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ biểu diễn văn hoá văn nghệ truyền thống. Chương trình sẽ bao gồm các tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ, tạo ra một không gian giải trí cho du khách thông qua âm nhạc, vũ đạo hấp dẫn.
Lễ trình diễn tinh hoa ẩm thực Việt Nam (từ 16 giờ đến 17 giờ hàng ngày) sẽ diễn ra quảng diễn giới thiệu ẩm thực 3 miền thông qua các màn trình diễn do các đầu bếp hàng đầu thực hiện. Lễ trình diễn không chỉ tập trung vào trình diễn kỹ thuật nấu ăn, mà còn tạo nên sự kết nối, truyền tải ý nghĩa của từng món ăn, 3 đồ uống, mang văn hóa, cảm xúc, suy tưởng của những con người đương đại đang gắn kết cùng nhau.
Và khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống trên vùng biển Cửa Việt cũng sẽ diễn ra chương trình âm nhạc Sunset Chill (từ 18 giờ đến 19 giờ hàng ngày. Du khách hoà mình vào ánh hoàng hôn thơ mộng, thả hồn theo từng bản nhạc, thưởng thức đồ uống và tận hưởng những giây phút thư giãn cùng chương trình âm nhạc mang tên Sunset Chill. Thể loại âm nhạc: Pop, Acoustic, Tropical...
Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt chia sẻ: Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Du lịch toàn quốc tổ chức ngày 15/3 vừa qua “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển hiệu quả và bền vững”, ngành du lịch và các địa phương đang nỗ lực thu hút khách du lịch, đẩy mạnh phục hồi bằng nhiều sự kiện, hoạt động phong phú.
Trong năm 2022, Việt Nam được Giải thưởng Ẩm thực Thế giới (World Culinary Awards) vinh danh là “Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á 2022”, Ẩm thực Việt xứng đáng là một trong những thương hiệu quốc gia của Việt Nam.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: “Việc tổ chức Lễ hội Văn hóa-Ẩm thực Việt Nam 2023 tại Quảng Trị sẽ mở ra hướng đi mới trong thu hút khách du lịch đến với đến với Quảng Trị nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ nói chung. Trong thời gian tới, Quảng Trị cần tận dụng được các dư địa vốn có để bứt phá trở thành điểm đến của du lịch văn hoá, lịch sử hấp dẫn”.
Trong đó, tỉnh cần có kế hoạch thu hút đầu tư, phát triển để hình thành nên những khu nghỉ dưỡng, dịch vụ bổ sung, vui chơi giải trí tạo điểm nhấn, động lực để phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách đến tham quan các điểm du lịch nổi bật.
Đồng thời, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương lân cận để tạo nên các sản phẩm du lịch vùng độc đáo, mang tính cạnh tranh cao, góp phần thu hút khách, hiện thực hóa việc lấy giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa làm cốt lõi để liên kết phát triển du lịch.