Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Họp lưỡng hội, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức nào?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc đã đặt mục tiêu mở rộng nền kinh tế khoảng 5% vào năm 2023, một mục tiêu khiêm tốn hơn sau khi nước này bỏ lỡ mục tiêu 5,5% vào năm ngoái.

Số liệu này được ghi lại trong báo cáo công việc hàng năm của Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ được trình bày tại phiên khai mạc của cơ quan lập pháp Trung Quốc hôm nay (5/3), theo Straits Times trích dẫn nguồn thạo tin. 

Nền kinh tế Trung Quốc hiện được kỳ vọng sẽ đóng góp 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. Ảnh: ST
Nền kinh tế Trung Quốc hiện được kỳ vọng sẽ đóng góp 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. Ảnh: ST

Trong ngày 4/3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh mức tăng triển vọng tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc lên 5,2%, từ ước tính trước đó là 4,4%. Nền kinh tế Trung Quốc hiện được kỳ vọng sẽ đóng góp 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.

Phục hồi kinh tế luôn được ưu tiên trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng từ sự cạnh tranh với Mỹ, khoảng cách thu nhập và giàu nghèo ngày càng lớn, và tình trạng dân số già hóa nhanh chóng do tỷ lệ sinh thấp.

Chính phủ cũng sẽ đặt mục tiêu tạo ra 12 triệu việc làm ở khu vực thành thị trong năm nay, tăng so với mục tiêu 11 triệu được đặt ra vào năm ngoái, do số lượng sinh viên tốt nghiệp dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục 11,58 triệu vào năm 2023. Đồng thời cố gắng duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị ở mức 5,5% trong năm nay, giống như năm ngoái.

Sau ba năm gián đoạn vì Covid-19, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) và cơ quan cố vấn chính trị Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) đang nhóm họp đầy đủ, với khoảng 5.000 đại biểu đến Bắc Kinh để họp tại Đại lễ đường Nhân dân.

Được gọi chung là Lưỡng hội, đây là kỳ họp đầu tiên sau Đại hội Đảng lần thứ 20 vào tháng 10/2022, trong đó ông Tập Cận Bình đã được tín nhiệm bầu làm Tổng bí thư thêm 5 năm nữa, đánh dấu nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của ông kể từ năm 2012. 

Trong kỳ đại hội này, các chức chủ tịch nước, thủ tướng và phó chủ tịch nước sẽ được bầu chọn. Quốc hội cũng sẽ chuẩn bị một loạt chức vụ cấp cao trong Quốc vụ viện - tức Chính phủ Trung Quốc và một số cơ quan, tổ chức khác, theo Thời báo Hoàn Cầu.

Các cuộc họp trong khuôn khổ Đại hội phần lớn diễn ra đồng thời, với phiên họp của NPC bắt đầu vào hôm nay (5/3) và sẽ kết thúc chỉ hơn một tuần sau đó vào ngày 13/3, khi tân thủ tướng ra mắt truyền thông. Các nhà lập pháp sẽ bầu các thành viên mới khác của các cơ quan nhà nước, bao gồm thẩm phán công tố viên đứng đầu, lãnh đạo các bộ và cơ quan quản lý.

Sau hiệu quả kinh tế khiêm tốn trong năm 2022 do các đợt đóng cửa và gián đoạn liên quan đến Covid-19, Trung Quốc phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là kích thích nền kinh tế trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trì trệ, thị trường bất động sản lao dốc và niềm tin của nhà đầu tư yếu.

Tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc ở mức 3% vào năm 2022, mức tăng thấp thứ hai kể từ những năm 1970, sau khi nhích lên 2,2% vào năm 2020 và phục hồi 8,1% vào năm 2021.

Mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Mỹ cũng đã cản trở Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ tiên tiến và Bắc Kinh dự kiến sẽ công bố các chính sách cụ thể hơn nhằm thúc đẩy chuyên môn trong nước về khoa học và công nghệ.

Ngoài ra, cuộc họp còn đề cập tới sự tái tổ chức “trên diện rộng” và “chuyên sâu” của các cơ quan nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc.