Đề cao chất lượng tăng trưởng
Với chủ đề “Phát triển kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, các nhà lãnh đạo APEC khẳng định trong cục diện quốc tế mới, APEC tiếp tục là một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, hợp tác ngày càng sâu rộng và đóng góp mạnh mẽ nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững, bao trùm ở khu vực và trên thế giới. Kết thúc Tuần lễ Cấp cao APEC, các nền kinh tế thành viên đã thông qua 2 Tuyên bố cấp cao, 1 Tuyên bố bộ trưởng và 6 văn kiện kèm theo, với mục tiêu xuyên suốt là tăng trưởng bền vững, bao trùm. Đây là bước chuyển mới, nâng tầm hiệu quả hợp tác Diễn đàn APEC, mở rộng sang các lĩnh vực mới, gắn với mục tiêu phát triển. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi triển khai Chiến lược tăng trưởng năm 2010, APEC đề ra chiến lược dài hạn nhấn “chất lượng” tăng trưởng, gắn với xây dựng thể chế, gắn kết xã hội và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, việc APEC thiết lập một số cơ chế và mục tiêu mới, phản ánh hợp tác APEC ngày càng mở rộng và thực chất. Đó là cải thiện 10% môi trường kinh doanh vào năm 2018; hình thành thị trường cho các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ APEC, Mạng lưới tài chính phát triển cơ sở hạ tầng, Nhóm đặc trách tự cường năng lượng, và quỹ hỗ trợ triển khai các dự án, sáng kiến của APEC. Với những kết quả này, Tuần lễ Cấp cao tại Manila đã đánh dấu hợp tác APEC bước sang một giai đoạn mới “vì phát triển bền vững”, phản ánh vai trò của APEC đi đầu triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Tăng trưởng bao trùm thông qua liên kết
Phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ nhất với chủ đề “Tăng trưởng bao trùm thông qua liên kết kinh tế”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị để bảo đảm liên kết khu vực hiệu quả, cần gắn kết chặt chẽ các nỗ lực liên kết với thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Đồng thời, APEC cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế - kỹ thuật và hỗ trợ nâng cao năng lực của các thành viên đang phát triển, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế, thương mại thế hệ mới.
Nêu bật những đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác APEC và liên kết kinh tế khu vực, Chủ tịch nước khẳng định, với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, sau 30 năm đổi mới, bài học rút ra là muốn tăng trưởng thì phải đẩy mạnh hội nhập kinh tế; muốn tăng trưởng bền vững, bao trùm thì phải cải cách mạnh mẽ, đặc biệt về thể chế kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng. Hướng tới việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nền kinh tế thành viên thúc đẩy liên kết kinh tế vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng.
Cơ hội mở rộng hợp tác
Bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ rộng rãi với các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên trao đổi sâu rộng các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và phối hợp tại các diễn đàn đa phương. Các cuộc gặp song phương của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng thống Peru Ollanta Humala và Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill, hai chủ nhà APEC 2016 và 2018 đã góp phần tăng cường phối hợp, bảo đảm các Hội nghị cấp cao sắp tới, đặc biệt là Năm APEC Việt Nam 2017 thành công.
Ngoài ra, các cuộc gặp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Thủ tướng Malaysia Najib Razak, tiếp Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lương Chấn Anh, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Tổng thống Chile M. Bachelet, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla, Thủ tướng Nga D.Medvedev, Tổng thống Mỹ Barack Obama… đã mở ra nhiều cơ hội mới cho hợp tác với các đối tác, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của Việt Nam; đồng thời, tạo cơ sở tốt cho Việt Nam đóng góp hiệu quả vào tiến trình phát triển của APEC với tư cách là chủ nhà của Năm APEC 2017.
Chủ tịch nước cũng dành nhiều thời gian tiếp xúc với các tập đoàn kinh tế hàng đầu khu vực và toàn cầu, chuyển thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam tiếp tục đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng với việc vừa kết thúc đàm phán hàng loạt các FTA, đặc biệt là TPP với sự tham gia của 12 trên 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt tay Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Lễ khai mạc. Ảnh: TTXVN
|