Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hungary gửi yêu cầu đặc biệt đến EU để chấm dứt chiến sự tại Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà lãnh đạo Hungary kêu gọi lãnh đạo EU tổ chức các cuộc đàm phán với Bắc Kinh về một “hội nghị hòa bình” cũng như tái lập quan hệ ngoại giao với Moscow nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột Ukraine.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Tass
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Tass

Tờ Bild của Đức ngày 15/7 đưa tin Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã viết thư cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel, hối thúc ông nối lại đối thoại với Nga và đưa Trung Quốc vào nỗ lực giải quyết xung đột Ukraine.

Theo nguồn tin trên, lời kêu gọi này được Thủ tướng Orban đưa ra sau khi ông thực hiện “sứ mệnh hòa bình” tới Ukraine, Nga, Trung Quốc và Mỹ.

Theo lá thư do tờ báo Đức trích dẫn, Thủ tướng Hungary đã cung cấp cho ông Michel bản tóm tắt về các cuộc đàm phán của ông với các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump. Bức thư cũng được cho là có một số đề xuất để ông Michel xem xét.

Nhà lãnh đạo Hungary cảnh báo “mức độ xung đột quân sự ở Ukraine sẽ gia tăng mạnh mẽ trong tương lai gần”. Đồng thời, ông kêu gọi Chủ tịch EC tổ chức các cuộc đàm phán với Trung Quốc về một “hội nghị hòa bình” cũng như tái lập quan hệ ngoại giao với Nga.

Tuy nhiên, “sứ mệnh hòa bình” gần đây của Thủ tướng Orban đã gây ra phản ứng dữ dội ở phương Tây. Chính ông Michel cũng tuyên bố rằng nhà lãnh đạo Hungary không có nhiệm vụ thay mặt cho EU hợp tác với Nga và nhấn mạnh không có cuộc thảo luận nào về Ukraine có thể diễn ra nếu không có Kiev.

Ông Orban đã thúc giục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đồng ý ngừng bắn trong cuộc gặp trực tiếp tại Kiev hồi đầu tháng này. Tuy nhiên, ông Zelensky nhấn mạnh rằng Thủ tướng Hungary không có đủ ảnh hưởng để đàm phán chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.

Hungary là một trong số ít quốc gia thành viên EU chỉ trích lập trường của khối về cuộc xung đột Nga - Ukraine. Chính quyền Budapest đã từ chối hợp tác với Brussels để chuyển giao vũ khí cho Ukraine, đồng thời phản đối viện trợ tài chính cho quốc gia Đông Âu.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 15/7 cho biết, ông kỳ vọng Nga sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh thứ hai về Ukraine, dự kiến ​​sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty

Theo đài Sputnik, ông Zelensky nói với các phóng viên tại Kiev rằng sẽ có 3 cuộc họp sơ bộ được tổ chức trước hội nghị này. Cuộc họp đầu tiên, dự kiến ​​được triệu tập vào cuối mùa Hè tại Qatar, tập trung vào an ninh năng lượng. Cuộc họp thứ hai ​​sẽ được tổ chức vào tháng 8 tại Thổ Nhĩ Kỳ, tập trung thảo luận vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đen.

Theo Tổng thống Ukraine, cuộc họp thứ ba, dự kiến ​​sẽ được tổ chức vào tháng 9 tại Canada, sẽ là một diễn đàn để thảo luận về trao đổi tù nhân với Nga.

“Tôi đặt mục tiêu sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh thứ hai về hòa bình vào tháng 11. Chúng tôi sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh thứ hai sớm nhất có thể và tôi tin rằng các đại diện của Nga nên có mặt tại hội nghị thượng đỉnh này” - ông Zelensky nói.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, Mỹ đã tham vấn với Ukraine về việc mời Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai và sẽ ủng hộ quyết định của Kiev về vấn đề này.

Trước đó, hồi tháng 6 vừa qua, Thụy Sĩ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về hòa bình Ukraine với sự tham dự của hơn 90 phái đoàn. Nga không được mời tham dự sự kiện này và một số nước, trong đó có Trung Quốc, đã từ chối tham gia đàm phán với lý do Moscow cần phải tham gia vào quá trình này.

Cuộc họp ở Thụy Sỹ tập trung thảo luận 3 điểm trong “công thức hòa bình” của Tổng thống Zelensky, bao gồm trao đổi tù nhân, an ninh hạt nhân và lương thực. Được đưa ra từ năm 2022, sáng kiến hòa bình này cũng kêu gọi Nga rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố là của mình. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ kế hoạch hòa bình trên vì cho rằng nó xa rời thực tế.