“Chúng tôi sẽ thanh toán các lô hàng khí đốt bằng đồng rúp nếu Nga yêu cầu” - hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Thủ tướng Viktor Orban Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại cuộc họp báo hôm 6/4.
Nga cuối tháng trước yêu cầu các quốc gia "thiếu thân thiện" thanh toán tiền mua khí đốt của nước này bằng đồng rúp. Các nước bị Nga coi là "thiếu thân thiện" gồm Mỹ, các nước thành viên EU, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimi Putin sau đó đề xuất phương án thanh toán bằng euro và chuyển tiền cho ngân hàng thuộc tập đoàn Gazprom, khoản tiền sẽ được chuyển đổi thành đồng rúp.
Tuy nhiên, phương án này chưa được các nước châu Âu đồng thuận. Ủy ban châu Âu hôm 1/4 nói rằng các công ty châu Âu ký hợp đồng khí đốt với Nga, trong đó quy định thanh toán bằng euro hoặc USD, không nên đáp ứng yêu cầu thanh toán mới của Moscow.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 5/4 cho biết, EU sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga và sau đó sẽ là các biện pháp trừng phạt bổ sung. Tuy nhiên, một số nước châu Âu không đồng ý với việc cấm nguồn cung năng lượng từ Nga bởi lượng dầu mua từ Nga chiếm 25% và khí đốt chiếm 45% số lượng nhập khẩu hàng năm của các nước.
Hungary là một trong số ít quốc gia thành viên EU đã bác bỏ áp lệnh cấm vận với ngành năng lượng Nga để đáp trả việc nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Thủ tướng Orban, người đã theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ với Moscow trong hơn một thập kỷ, đã lên nắm quyền nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp sau cuộc bầu cử vừa diễn ra, ông cũng đã cam kết duy trì an ninh năng lượng và đáp ứng tối đa nguồn cung cấp khí đốt cho các hộ gia đình Hungary.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto trước đó cũng nói rằng giới chức EU "không có vai trò gì" trong việc cung cấp khí đốt theo hợp đồng song phương giữa nước này với Nga.
Hungary, quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, đã ký một thỏa thuận cung cấp khí đốt dài hạn mới với Moscow vào năm ngoái. Theo hợp đồng này, tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom dự kiến sẽ cung cấp 4,5 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm cho Hungary.
Trong khi đó, giới chức Latvia hôm 3/4 thông báo ba nước vùng Baltic không còn nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga, và nước này đang sử dụng nguồn khí đốt được lưu trữ dưới lòng đất ở Latvia. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Latvia cho biết, nước này không ủng hộ việc thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu cho biết EU không bình luận về các tuyên bố từ giới chức các nước.