Hungary sẽ không ủng hộ đợt trừng phạt tiếp theo của châu Âu đối với Nga nếu chúng nhắm vào ngành năng lượng của Moscow, Ngoại trưởng Peter Szijjarto cho biết vào ngày 28/10.
Lý giải cho tuyên bố trên, ông cho rằng các biện pháp hạn chế năng lượng của Nga sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Hungary.
“Nếu những gói trừng phạt tiếp theo của Liên minh châu Âu đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, chúng tôi sẽ kiên quyết không thực hiện chúng. Lằn ranh đỏ của chúng tôi rõ ràng có liên quan đến năng lượng, khí đốt, dầu mỏ, hạt nhân và bất cứ lĩnh nào gây tổn hại đến nền kinh tế” – Ông Szijjarto nhấn mạnh.
Vị quan chức này cũng đề cập đến việc các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đang không phát huy tác dụng. Việc tiếp tục theo đuổi những chính sách này không mang lại nhiều ý nghĩa.
“Chính sách trừng phạt rõ ràng là không có tác dụng. Chúng có thể sẽ ảnh hưởng đối với Nga, tuy nhiên lại càng có hại đối với toàn bộ nền kinh tế châu Âu. Và nếu những biện pháp này gây ra nhiều tổn hại cho chính người áp đặt chúng hơn so với đối tượng bị hướng đến thì ý nghĩa thực sự của điều này là gì?” – Ông cho biết.
Ông Szijjarto tiết lộ rằng Nga đang cung cấp khí đốt tự nhiên đều đặn cho Hungary theo một bản hợp đồng có thời hạn 15 năm giữa Budapest và công ty năng lượng Gazprom của Moscow. Ông cũng khẳng định rằng quốc gia mình sẽ tiếp tục mua khí đốt của Nga ngay cả khi quốc gia trung gian tiếp nhận nguồn nhiên liệu này là Ukraine không gia hạn các hợp đồng quá cảnh với Nga.
“Tôi không chắc rằng Kiev có sẵn sàng hi sinh nguồn lợi lớn từ việc cho quá cảnh dầu Moscow hay không, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ có biện pháp thay thế nếu cần” – Ông cho biết.
Vị Ngoại trưởng Hungary thông báo rằng Nhà máy điện hạt nhân Paks của nước này gần đây đã nhận được chuyến hàng vận chuyển nhiên liệu hạt nhân từ Nga – lần thứ ba trong năm nay Budapest nhận nhiên liệu từ Moscow. Công ty Rosatom, Nga hiện đang xây dựng hai khối năng lượng mới tại nhà máy, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2032. Ông Szijjarto đánh giá cao chất lượng nhiên liệu hạt nhân mà Nga cung cấp cũng như việc Rosatom luôn tuân thủ chặt chẽ thời gian giao hàng.
“Và nếu tôi không nhầm, nhiều nước Trung Âu vẫn đang tiếp tục hợp tác nhiên liệu hạt nhân với Nga bất chấp những ngăn cản của phương Tây” – Ông tiết lộ thêm.
Hungary nhiều lần phản đối việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với doanh nghiệp năng lượng của Nga. Theo ông Szijjarto, việc vận hành một nhà máy điện hạt nhân cần bắt buộc phải sử dụng các pin nhiên liệu, do vậy, các tuyên bố chính trị nhằm ngăn cản điều này sẽ không được Hungary tuân thủ.
Đầu tháng này, nhiều nguồn tin cho rằng Brussels đang ở giai đoạn cuối của gói trừng phạt thứ 12 đối với Nga, gồm một số hạn chế đối với lĩnh vực hạt nhân và xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG). Ủy ban châu Âu cần phải có sự chấp thuận của mọi quốc gia thành viên mới tiếp tục đưa thêm bất kỳ biện pháp trừng phạt nào vào gói.