Hungary và Áo cùng cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu cấm vận khí đốt Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo Hungary và Áo vừa cảnh báo rằng ý tưởng Liên minh châu Âu (EU) ban hành lệnh cấm vận với khí đốt Nga sẽ gây tổn hại cho chính khối này.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer. Ảnh: Tass
Thủ tướng Áo Karl Nehammer. Ảnh: Tass

Theo hãng tin Tass, Thủ tướng Áo Karl Nehammer hôm 28/7 cảnh báo EU không thể cấm khí đốt Nga, vì động thái này sẽ gây hại cho các thành viên EU nhiều hơn là Nga.

Phát biểu trong cuộc họp báo với Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Vienna ngày 28/7, Thủ tướng Nehammer nhận định, lệnh cấm cung cấp khí đốt Nga sẽ dẫn đến hiệu ứng domino ở châu Âu.

"Quan điểm của Áo là cấm vận khí đốt Nga là điều bất khả thi. Không chỉ vì Áo phụ thuộc vào khí đốt của Nga, ngành công nghiệp Đức cũng phụ thuộc vào nguồn năng lượng này, và nếu xảy ra khủng hoảng khí đốt, ngành công nghiệp Áo cũng sẽ sụp đổ, và chúng tôi sẽ đối mặt với tình trạng thất nghiệp hàng loạt," ông Nehammer giải thích.

Trong một diễn biến liên quan, hãng tin RT của Nga đưa tin, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng chỉ trích kế hoạch phân bổ khí đốt mà EU thông qua nhằm giảm 15% tiêu thụ khí đốt trong khối từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023.

Trong bài phát biểu tại họp báo với Thủ tướng Áo Karl Nehammer hôm 28/7, Thủ tướng Orban nói rằng, Hungary tuyên bố họ sẽ có chính sách năng lượng của riêng họ và bất cứ nỗ lực nào của EU nhằm can thiệp vào điều này sẽ gây ra bất lợi cho Hungary.

Hungary là quốc gia duy nhất trong 27 nước EU phản đối kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" khí đốt của EU. Hungary từng tuyên bố không thể thiếu khí đốt Nga. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuần trước đã có chuyển thăm Moscow để đàm phán về việc mua thêm 700 triệu mét khối khí đốt của Nga.

Theo nhà lãnh đạo Hungary, việc phân chia bắt buộc khí đốt là "dấu hiệu đầu tiên của nền kinh tế chiến tranh". Thủ tướng Orban, người đã nhiều lần phản đối các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, nói rằng ông sẽ cố gắng “thuyết phục Brussels tìm kiếm một giải pháp gây sức ép với Moscow, song ít ảnh hưởng đến EU, Ukraine và người dân trong khối”.

Ông Orban đồng thời cảnh báo rằng, nếu EU không thúc đẩy một kịch bản hòa bình ở Ukraine, châu Âu có thể sẽ đối mặt với "khủng hoảng năng lượng, suy thoái và bất ổn chính trị".

Trong một bài phát biểu vào tuần trước, Thủ tướng Orban nhấn mạnh rằng cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine “sẽ chỉ chấm dứt Mỹ và đạt một thỏa thuận”.

Châu Âu chứng kiến lượng khí đốt từ Nga giảm mạnh do các vấn đề kỹ thuật tại tuyến đường ống Nord Stream 1. Đường ống dẫn khí đốt quan trọng từ Nga tới Đức qua biển Baltic đang hoạt động ở mức 20% công suất. Trong khi đó, EU đang nỗ lực tăng lượng dự trữ khí đốt trước mùa Đông năm nay.

Đầu năm nay, EU cam kết sẽ chấm dứt sự phụ thuộc của khối vào nguồn cung năng lượng của Nga. Khối này đã áp lệnh cấm vận một phần với dầu mỏ, tuy nhiên 7 gói trừng phạt của EU đối với Moscow liên quan đến chiến sự tại Ukraine chưa bao gồm biện pháp tương tự với khí đốt Nga.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần