Vào ngày 31/3/2023, Nga đã công bố chính sách đối ngoại mới với sự tập trung về phương Đông.
Có lẽ chính sự tăng trưởng vượt bậc cùng tiềm năng nổi trội của châu Á đã không ngừng thu hút Nga, khiến quốc gia này hiện thực hóa ý định của mình thông qua chính sách đối ngoại. Nhìn chung, sự chuyển hướng này đã có tác động không nhỏ đối với Điện Kremlin cũng như các quốc gia châu Á liên quan khác.
Theo như Moscow công bố, quốc gia này đang hướng ưu tiên hơn cả vào Trung Quốc và Ấn Độ, cho thấy tầm quan trọng của Trung Quốc trong việc cân bằng cán cân sức mạnh với phương Tây.
Tương tự, Ấn Độ cũng là đối tác không thể thiếu của Nga nếu dựa trên mối quan hệ chặt chẽ giữa Moscow và New Delhi kể từ khi quốc gia này giành độc lập. Lịch sử hợp tác lâu dài trong lĩnh vực quân sự và kinh tế đã góp phần tạo ra các thể chế hợp tác quan trọng. Chẳng hạn, chương trình tên lửa chung BrahMos đòi hỏi sự tin tưởng sâu sắc lẫn nhau. Sau hai quốc gia trên, Nga tiếp tục hướng tầm mắt đến Đông Nam Á, xếp các nước trong khu vực này đứng thứ ba trong danh sách ưu tiên.
Bên cạnh đó, chính sách kinh tế của Nga cũng đang chuyển hướng sang châu Á và có khả năng sẽ tập trung vào các quốc gia đang phát triển nhanh ở Đông Nam Á. Ngoài ra, Moscow cũng lên kế hoạch mở lại tuyến đường Biển Bắc nhằm giúp giảm bớt những khó khăn về địa kinh tế và cho phép vận chuyển hàng hóa hiệu quả hơn qua Đông Nam Á.
Thực ra, mối quan hệ Nga-châu Á đã bắt đầu từ khá lâu, trước khi xảy ra mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây. Điều này được chứng minh qua các dự án như: đường ống “Sức mạnh của Siberia”, cải thiện tuyến đường sắt xuyên Siberia và khôi phục Hành lang Giao thông Bắc-Nam vào Iran.
Nhiều tài liệu cho thấy Moscow đang hướng mục tiêu chiến lược đến các dự án cơ sở hạ tầng. Thông qua sáng kiến tiếp cận thị trường mới trong nhiều lĩnh vực, Nga xem đấy như là lợi thế cạnh tranh với phương Tây. Chẳng hạn, vào tháng 4/2023, tập đoàn Transmashholding của Nga đã ký hợp đồng với Ấn Độ để sản xuất tàu hỏa.
Bên cạnh đó, năng lượng, hàng hóa và vài lĩnh vực của Nga như công nghệ hạt nhân có thể là điều mà các quốc gia Đông Nam Á thiếu hụt năng lượng đang hướng đến.
Đồng thời, việc hầu hết các quốc gia châu Á không áp dụng biện pháp trừng phạt đối với Nga là một ưu thế để Moscow tăng cường hợp tác với khu vực này.
Mối quan hệ thân thiện giữa Bắc Kinh và Moscow ở châu Phi và Trung Đông đã tạo tiền lệ cho châu Á. Các nguồn tài nguyên và ngành công nghiệp của Nga và Trung Quốc ngày càng phụ thuộc chặt chẽ vào nhau.
Mặc dù sự hiện diện của Nga ở châu Á vẫn còn ở mức thấp, tuy nhiên, hướng chuyển dịch này có thể diễn ra dần dần, trong một số lĩnh vực và những quốc gia nhất định.