Hướng tới hệ thống an sinh xã hội toàn diện

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045, Việt Nam hướng tới hệ thống chính sách xã hội toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho Nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm nhận biển tượng trưng từ Ban Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội tặng quà người lao động ngoại tỉnh bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Trần Oanh
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm nhận biển tượng trưng từ Ban Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội tặng quà người lao động ngoại tỉnh bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Trần Oanh

Nhiều thành tựu quan trọng

Chính sách an sinh xã hội (ASXH) là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống.

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 Khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, Việt Nam thực hiện được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Thể hiện rõ ở hệ thống chính sách xã hội cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo quyền an sinh của người dân.

Chính sách người có công luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt nhất, đã trở thành phong trào đền ơn đáp nghĩa sâu rộng, xuyên suốt từ T.Ư đến các làng bản, thôn xóm. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó hơn 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng.

Hằng năm, cả nước có từ 1,5 – 1,6 triệu người được tạo việc làm, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ổn định ở mức dưới 3%. Trong giai đoạn 2010 – 2021, tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy việc làm và cải thiện thu nhập của hộ gia đình Việt Nam, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp; năm 2021, thu nhập bình quân đầu người/tháng là 4,2 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với năm 2010. Giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, từ tỷ lệ 14,2% cuối năm 2010 giảm còn 2,23% năm 2021.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã phát huy vai trò là trụ cột của hệ thống ASXH. Dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhưng tổng số người tham gia BHXH vẫn tiếp tục tăng, đạt 16,6 triệu người năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,5 triệu người.

Độ bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp không ngừng được mở rộng, từ 8,27 triệu người năm 2012 lên gần 13,4 triệu người năm 2021. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hằng năm, đạt 3,25 triệu người năm 2021; chính sách trợ giúp xã hội đột xuất bao phủ các nhóm đối tượng cần hỗ trợ, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời.

Dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin cho người dân được đảm bảo, góp phần từng bước nâng cao phúc lợi, đảm bảo cuộc sống an toàn và hạnh phúc của Nhân dân.

Phát triển an sinh xã hội bền vững

Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách xã hội chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện. Vì thế, hướng đến việc thực hiện tốt nhất các chính sách xã hội đảm bảo an sinh, an dân và an cư cho mọi người dân thích ứng với bối cảnh mới, cần có các quan điểm và mục tiêu phù hợp.

Lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội thăm hỏi và tặng quà người lao động ngoại tỉnh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm gặp khó khăn do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội thăm hỏi và tặng quà người lao động ngoại tỉnh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm gặp khó khăn do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Bộ LĐTB&XH đề xuất, mục tiêu đến năm 2030, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội hướng đến bao phủ toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu ASXH và dịch vụ xã hội cho Nhân dân.

Trong đó, tiếp tục điều chỉnh chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công; hỗ trợ nhà ở, giáo dục, đào tạo, việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người có công và thân nhân người có công. Cũng như bảo đảm người có công và gia đình họ có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú.

Người dân trong độ tuổi lao động được đảm bảo có việc làm bền vững; thị trường lao động phát triển đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Tất cả các lao động được đào tạo nghề nghiệp, có kiến thức, kỹ năng, tay nghề phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và cạnh tranh khu vực, quốc tế.

Hệ thống BHXH được phát triển theo hướng linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế và bao phủ toàn bộ lực lượng lao động; đa dạng các sản phẩm BHXH. Bảo hiểm thất nghiệp phát huy được đầy đủ các chức năng; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp và duy trì việc làm bền vững cho người lao động.

Cùng với đó là xây dựng sàn ASXH, bảo đảm ASXH toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt, tăng cường các quỹ cứu trợ xã hội với nhiều cấp độ để hỗ trợ kịp thời cho người dân khi bị rủi ro. Song song với đó, phát triển và đa dạng hóa các dịch vụ trợ giúp xã hội, công tác xã hội chuyên nghiệp; tạo cơ hội tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội cơ bản đối với tất cả người dân.

Theo các chuyên gia lao động, hướng tới phát triển hệ thống ASXH toàn diện là một nhu cầu khách quan, mang tính tất yếu trong tiến trình phát triển đất nước bền vững và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Cũng cần phải tiếp tục đổi mới tư duy trong hoàn thiện và phát triển hệ thống ASXH theo hướng quản lý phát triển bền vững.

Do vậy, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Hữu Dũng đề nghị: “Hệ thống ASXH phải được tiếp tục phát triển bền vững để có đủ năng lực phòng ngừa, khắc phục rủi ro cho người dân trong cuộc sống theo hướng bảo đảm quyền con người và tiến tới bao phủ toàn dân. Đặc biệt chú ý nhóm thu nhập thấp, vùng dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa, lao động khu vực phi chính thức, nhóm thu nhập trung bình bị bỏ sót trước đây”.

Ngoài ra, chính sách ASXH vừa đồng bộ, vừa tích hợp theo các trụ cột của hệ thống ASXH: Về việc làm và thu nhập; về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; về trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất cho người dân gặp rủi ro, bất trắc; về cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Hệ thống tổ chức, quản lý Nhà nước về ASXH tiếp tục được đổi mới theo hướng Chính phủ kiến tạo và số hóa.

 

Bà Gulmira Asanbaeva - Cán bộ chương trình Tổ chức Lao động quốc tế: Khuyến nghị 4 lĩnh vực chính sách an sinh xã hội

Trong giai đoạn mới, Việt Nam cần đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống an sinh xã hội (ASXH) theo hướng đa tầng thực sự, dựa trên cách tiếp cận vòng đời, bền vững, bao trùm, đáp ứng cú sốc, nhạy cảm về giới và đảm bảo khi Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế nhanh chóng thì không để ai bị bỏ lại phía sau.

Để đạt được các mục tiêu và phù hợp với những tiêu chuẩn lao động quốc tế và các thông lệ tốt nhất trong lĩnh vực ASXH, chương trình cải cách chính sách xã hội của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần tập trung vào bốn lĩnh vực chính sách chính. Đó là phát triển hệ thống ASXH đa tầng hiệu quả, tăng cường sự liên kết và phối hợp giữa các nhánh chính sách trong hệ thống ASXH nhiều cấp. Tiếp đó là, tăng cường sự tập trung vào hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng sức hấp dẫn đối với người lao động.

Bên cạnh đó, Việt Nam tăng cường đầu tư cho ASXH, cụ thể là sự đầu tư có phối hợp và quy mô vào việc làm tốt; và ASXH có thể tạo ra một vòng tròn phát triển bền vững lấy con người làm trung tâm; huy động các nguồn lực để tăng đầu tư cho ASXH. Đồng thời, thúc đẩy tính liên kết và hiệp đồng giữa các chính sách ASXH và các lĩnh vực khác có liên quan, bao gồm cả chính sách việc làm và kinh tế. Các chính sách ASXH cần được nghiên cứu, thiết kế phù hợp với những biện pháp trong các lĩnh vực chính sách quan trọng khác như đăng ký kinh doanh, điều tiết thị trường lao động, phát triển kỹ năng...

Thủy Trúc