Hướng tới hình thành chính quyền số

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để phục vụ người dân và DN ngày một tốt hơn, cải cách hành chính luôn là nhiệm vụ trọng tâm của TP Hà Nội.

Hiện TP đang đặc biệt chú trọng thúc đẩy việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, hiện thực hóa mục tiêu đặt ra trong Chương trình số 01-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII.

Số hóa nhằm nâng cao chất lượng phục vụ

Theo mục tiêu đã được UBND TP Hà Nội đặt ra, từ nay đến năm 2025, TP sẽ tiếp tục hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ…; cung cấp dữ liệu mở của chính quyền TP phục vụ người dân, DN. Đồng thời cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử của TP trước năm 2025, hướng tới hình thành chính quyền số TP Hà Nội. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm TP đặt ra là đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử; đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng

Để triển khai hiệu quả các mục tiêu đặt ra, năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Chương trình số 01-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, TP đã tăng cường ứng dụng công nghệ, tổ chức bộ máy ngày một tinh gọn, hiệu quả, thúc đẩy cải cách hành chính, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thích ứng một cách an toàn, linh hoạt; thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, thời gian qua, dù phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, song TP đã rà soát 550 TTHC và thông qua phương án đơn giản hóa 177 thủ tục, phê duyệt đối với 1.754 quy trình giải quyết nội bộ TTHC. Qua đó, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, tổ chức và DN, góp phần cải thiện an sinh xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.

Đáng chú ý, thực hiện Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC”, TP đã ban hành Kế hoạch số 161 để triển khai, với mục tiêu, giai đoạn 2021 - 2025, đẩy mạnh giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân.

Năm 2021, toàn TP đã tiếp nhận hơn 3,5 triệu hồ sơ, trong đó tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC đúng hạn và trước hạn đạt 99,7%. Tính đến cuối năm 2021,TP có 1.843 TTHC, trong đó có 1.685 thủ tục đủ điều kiện để triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4. Hiện Văn phòng UBND TP đang chủ trì xây dựng mô hình mẫu “Bộ phận một cửa hiện đại các cấp của TP”, trình UBND TP xem xét, xây dựng lộ trình phân cấp đầu tư, nâng cấp và thực hiện thống nhất trên toàn TP, dự kiến hoàn thành trong quý I/2022.

Giảm thời gian chờ đợi

Công tác cải cách hành chính trong năm 2022, hướng tới phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, TP Hà Nội đặt mục tiêu chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 60% TTHC thuộc thẩm quyền; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 30%; 100% kết quả xử lý hồ sơ TTHC được đồng bộ đầy đủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia… Đồng thời, đạt mục tiêu tối thiểu 30% người dân, DN khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục (trước đó), mà cơ quan Nhà nước giải quyết đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đó đã được cơ quan khác sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng được yêu cầu… TP cũng phấn đấu giảm thời gian chờ đợi của người dân, DN tại bộ phận “một cửa” xuống trung bình còn tối đa 30 phút/lần đến giao dịch…

Cùng với những nhiệm vụ đang triển khai, trong năm 2022, TP sẽ tiếp tục hướng dẫn các đơn vị về lưu trữ hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC điện tử và nghiên cứu, khảo sát một số mô hình, sáng kiến cải cách hành chính để đề xuất nhân rộng, áp dụng toàn TP. Đồng thời chú trọng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có ít nhất 30% số cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến.

Hiện các đơn vị cũng đang bám sát thực tiễn, xây dựng kế hoạch và đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, tổ chức hội nghị đối thoại với người dân, tổ chức và DN về các vấn đề liên quan tới giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của cấp mình. Qua đó, thực thi tốt công vụ, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai nhằm nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân. Bên cạnh đó, TP cũng thành lập đoàn kiểm tra công vụ, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong cải cách hành chính, để triển khai có hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần