Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2017 được TP Hà Nội lựa chọn là "Năm kỷ cương hành chính", với mục tiêu tạo đột phá trong lĩnh vực này, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ.

Chủ đề được lựa chọn này được nhiều ý kiến đồng tình. Bởi để thực hiện khâu đột phá cải cách hành chính (CCHC), khắc phục mọi lực cản chính là nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCCVC).
Như Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã khẳng định, "Năm kỷ cương hành chính" quyết tâm tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính; nâng cao đạo đức công vụ; tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ CBCCVC các cấp của TP tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng. Đó là cốt lõi để lan tỏa, nhân rộng ra các tầng lớp Nhân dân, từng bước xây dựng trật tự, kỷ cương trong xã hội.
"Phải coi kỷ cương, kỷ luật là động lực thành công; tránh bệnh thành tích, đầu voi đuôi chuột...". Đây là chỉ đạo xuyên suốt trong hầu hết các cuộc làm việc với các đơn vị, quận, huyện của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và khẳng định việc xử lý kỷ luật rất nghiêm và sẽ tiếp tục kỷ luật, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn. Để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến cả bộ máy. Bởi "việc một công chức ứng xử kém làm ảnh hưởng tới tất cả đội ngũ cán bộ, 400.000 đảng viên chúng ta bị mang tiếng, cả Nhân dân TP Hà Nội bị mang tiếng". Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh, phải thay đổi từ nhận thức để có biện pháp khắc phục từ đầu năm 2017. Nếu mỗi người không thấy đau, không thấy xấu hổ thì sẽ không bao giờ khắc phục được tình trạng này.
Có thể nói rằng, trong năm vừa qua, những chỉ đạo rõ việc, rõ người của TP đã cho thấy sự quyết liệt trong việc siết mạnh kỷ cương hành chính công vụ tại cơ quan nhà nước. Như trước sự việc vắng mặt không lý do của một số đơn vị tại các cuộc họp, hay những hành vi ứng xử không đúng của cán bộ, TP đều kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc. Quy chế làm việc của UBND TP cũng đặc biệt coi trọng việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”; “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Quyết tâm đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng phục vụ người dân và DN… Thực hiện chỉ đạo của TP, nhiều địa phương, đơn vị đã có biện pháp kiên quyết trong việc duy trì kỷ cương, kỷ luật hành chính. Triển khai các biện pháp kiểm tra, chấn chỉnh xử lý nghiêm một số trường hợp vi phạm theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm liên đới đối với CBCCVC thuộc thẩm quyền quản lý.
Tinh thần đó đã được TP tiếp tục chỉ rõ trong phát động thi đua năm 2017 và sẽ thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Cùng với những quy định đã có, TP sẽ ban hành quy chế ứng xử của CBCCVC, người lao động (NLĐ) ở cơ quan hành chính và quy chế ứng xử của người dân TP ở nơi công cộng. Với những chỉ đạo rất quyết liệt từ TP đến cơ sở này, việc nêu gương trong trách nhiệm của người đứng đầu, việc siết chặt kỷ cương trên mọi lĩnh vực không chỉ dừng ở những lời kêu gọi, những văn bản, giấy tờ, tinh thần đó chắc chắn sẽ phát huy tác dụng trong thực tế khi có sự kiểm điểm nghiêm túc, sự rốt ráo của người trong cuộc. Nhưng nỗ lực làm lành mạnh bộ máy công quyền không phải chỉ có từ phía chính quyền, mà còn cần sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, DN, với sự giám sát nghiêm minh, hiệu quả, để không còn cơ hội cho những “thói hư, tật xấu” phát tác.
Từ góc nhìn của các nhà quản lý, lãnh đạo chính quyền địa phương, người dân, các mục tiêu TP đưa ra trong “Năm kỷ cương hành chính” 2017, nhận được sự đồng tình ủng hộ cao và khẳng định quyết tâm thực hiện. Bởi đó là điều cần thiết để tạo bước chuyển mạnh trong chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ CBCCVC. Thực tế cho thấy, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ là yếu tố cần thiết và quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động tại các cơ quan, đơn vị. Là thước đo để người dân thực hiện chức năng giám sát đối với thái độ, nền nếp làm việc của CBCCVC. Đồng thời, các ý kiến cũng cho rằng, để triển khai hiệu quả chủ đề này, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống, sự nêu gương của người đứng đầu và sự giám sát của các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội…
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng: Đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu
Một mục tiêu lớn của “Năm kỷ cương hành chính” là thông qua vai trò nêu gương của cán bộ, nhất là người đứng đầu để tạo lan tỏa toàn xã hội. Để đạt mục tiêu này, giải pháp đầu tiên TP sẽ chú trọng ngay từ đầu năm là nâng cao hiệu quả lãnh đạo, điều hành của các cấp chính quyền. Tôi cho rằng các đơn vị, sở, ngành, quận, huyện… cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, vào cuộc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ, yêu cầu mọi CBCCVC, NLĐ chấp hành kỷ luật công vụ, văn hóa công sở và sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, bảo đảm cấp dưới chấp hành nghiêm chỉ đạo của cấp trên.
Đặc biệt năm 2017, chất lượng, trình độ CBCCVC sẽ được các cấp, ngành chú trọng đánh giá đúng để làm cơ sở sắp xếp, điều chuyển, bố trí nhân sự cho phù hợp vị trí việc làm. Trong đó, kiên quyết tinh giản số CCVC năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm việc chậm trễ, gây nhũng nhiễu trong giải quyết công việc cho người dân, DN, nhất là với những vấn đề xã hội quan tâm. Cùng với tinh giản theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, TP cũng yêu cầu chú trọng nâng cao năng suất lao động, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, tác phong công tác, đạo đức công vụ cho CBCC; tăng ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết công việc. Sau kiện toàn tổ chức bộ máy, đề nghị các đơn vị ngay trong quý I/2017 ban hành quy chế làm việc, điều chỉnh quy trình, quy định hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Một giải pháp quan trọng nữa của TP để siết chặt kỷ cương hành chính là sẽ đề cao hơn trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo về kỷ cương hành chính. TP xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan để xảy ra CBCC thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp có hành vi gây phiền hà khi tiếp nhận giải quyết công việc cho người dân và DN, nhất là trong thực hiện thủ tục cấp phép, đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký hộ khẩu, khám chữa bệnh… Công tác giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường hơn, bao gồm cả giám sát từ phía người dân, DN. Đáng chú ý, TP sẽ đổi mới hình thức đánh giá mức độ hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính, nhân rộng việc này ra các dịch vụ sự nghiệp công lập lĩnh vực y tế, giáo dục. Cùng những quy định đã có, TP cũng ban hành quy chế ứng xử của CBCCVC, NLĐ ở cơ quan hành chính và của người dân nơi công cộng. (Linh Nguyễn ghi)

Đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh: Để người dân giám sát trách nhiệm công vụ
Là một đại biểu dân cử nhiều năm theo dõi vấn đề kỷ cương, kỷ luật hành chính của nền hành chính nói chung và của Thủ đô nói riêng, tôi rất vui mừng lãnh đạo TP chọn năm 2017 là “Năm kỷ cương hành chính”. Đây thực sự là vấn đề lớn, quyết định mọi mặt từ phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô, của đất nước, đến cả vấn đề tưởng nhỏ là thói quen, hành vi, ứng xử của CBCCVC các cấp từ trước đến nay. Chúng ta hy vọng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị TP, việc tôn trọng, chấp hành pháp luật của các cơ quan, CBCCVC trong bộ máy hành chính từ TP xuống quận, huyện, phường, xã sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Tác phong và thói quen trì trệ… của một bộ phận không nhỏ CBCC rồi đây sẽ không còn đất sống. Như thế mới xứng đáng là CBCCVC Thủ đô.     
Để nâng cao đạo đức công vụ; tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ CBCCVC, vừa qua tôi thấy TP triển khai nhiều giải pháp, như: HĐND tổ chức giám sát về CCHC, trách nhiệm công vụ ở các sở, ngành, quận, huyện; UBND TP đẩy mạnh xây dựng “Chính quyền điện tử”, hướng đến “TP thông minh” với dịch vụ công cấp độ 3, 4. Gần đây xử lý kỷ luật một số CBCC có hành vi đánh người gây bức xúc dư luận… Ngoài ra, để có “môi trường xã hội” thuận lợi, đồng bộ với chấn chỉnh thái độ, ý thức văn hóa, ứng xử của CBCC, Sở VHTT chuẩn bị ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của người Hà Nội…
Tuy nhiên, để có những giải pháp căn cơ quyết liệt hơn, theo tôi, TP cần chú trọng, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật hiệu quả hơn, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng một cách thường xuyên, để mọi người dân, CBCCVC nắm được các quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, CBCCVC phải tự giác thực hiện, đồng thời để người dân được giám sát trách nhiệm công vụ, khi cần thiết thì “nhấp chuột” đánh giá chất lượng phục vụ, thái độ, trách nhiệm của CBCCVC qua dịch vụ công trực tuyến. Đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, người dân và DN có thể nhận xét, đánh giá chất lượng hoạt động của họ thông qua chất vấn, yêu cầu giải trình tại các kỳ họp HĐND các cấp hoặc gửi thư, kiến nghị yêu cầu cấp trên xem xét trách nhiệm công vụ. Tôi tin rằng, với những giải pháp cương quyết, gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XII, “Năm Kỷ cương hành chính” của Hà Nội sẽ thực sự có kết quả và tạo nhiều chuyển biến mới, tốt đẹp hơn. (Hà Bình ghi)

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Mạnh Quyền: Lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ
Huyện Quốc Oai chọn năm 2017 là “Năm kỷ cương hành chính, quản lý đất đai và các xã về đích nông thôn mới” nhằm gắn việc siết chặt kỷ cương hành chính với nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của địa phương.
Trong đó, tập trung hoàn thành về đích nông thôn mới 4 xã còn lại, cùng với nâng cao chất lượng các tiêu chí tại 16 xã đã đạt chuẩn, tiến tới huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giải quyết TTHC, thực sự lấy người dân và DN là đối tượng để phục vụ.
Để làm tốt được mục tiêu này, huyện yêu cầu các phòng, ban, đơn vị bám sát Kế hoạch kiểm tra CCHC giai đoạn 2016 - 2021, kế hoạch tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng “chính quyền thân thiện”. Trong đó đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, nêu cao tinh thần gương mẫu, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của Nhân dân. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tổ chức, tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng CBCC, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
Đồng thời cải tiến lề lối làm việc, tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, huyện sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả với phương châm “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. (Thiên Tú ghi)

Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) Lê Khánh Giang: Hạ bậc thi đua với cán bộ vi phạm giờ giấc công vụ
Kỷ cương hành chính phải được thực hiện từ những việc làm nhỏ nhất. Như việc chấp hành giờ giấc, trang phục, đeo thẻ làm việc của mọi CBCCVC, NLĐ. Tại phường, chúng tôi đã giám sát, quản lý chặt chẽ, ai đi muộn thì góp 20.000 đồng vào quỹ công đoàn. Thực tế năm qua, UBND phường đã lập biên bản một số CBCC nhiều lần đi muộn hoặc giữa giờ rời vị trí làm việc, cuối năm hạ một bậc thi đua. Cùng với siết chặt kỷ luật giờ giấc, bản thân tôi thường xuyên nhắc mọi người, UBND phường là cơ quan hành chính phải tiếp dân ở mọi lứa tuổi, nên “văn hóa chào hỏi” phải được đặt lên hàng đầu. Nhất là những người tìm đến các bộ phận “nhạy cảm” như địa chính, LĐTB&XH thường do đang muốn giải quyết vướng mắc, nếu cán bộ niềm nở sẽ giúp họ giảm bức xúc.
Cũng để thực hiện nghiêm “Năm kỷ cương hành chính”, tôi đã quán triệt đến các bộ phận: Thay vì “cào bằng” đánh giá thi đua như mọi năm thì từ năm 2017 sẽ đánh giá cụ thể thông qua bỏ phiếu, để phân loại CBCC chính xác. Những người năng lực kém, nhiều vi phạm thì cuối năm bị xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ”, để UBND phường báo cáo lãnh đạo quận. Thực hiện tinh giản biên chế, UBND phường xem xét những lao động hợp đồng không đáp ứng yêu cầu công việc thì cũng báo cáo lãnh đạo quận chấm dứt hợp đồng. Cuối năm 2016, phường đã công khai đánh giá những cá nhân có biểu hiện không tích cực làm việc, để mọi người nhìn vào, nỗ lực hơn ngay từ những ngày đầu năm 2017. (Linh Nguyễn ghi)

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu: Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành
Tại quận Thanh Xuân, trong những năm qua đã rất quan tâm đến kiểm tra công vụ, kỷ cương hành chính tại 11 phường, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến một bước trong nhận thức của CBCC khi thực thi công vụ.
Thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2017", chúng tôi tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND quận, ở từng phòng, ban, đơn vị, UBND các phường, đặc biệt xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện công tác CCHC theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả” và “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.
Bên cạnh đó, chúng tôi rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban, đơn vị; nội quy, quy chế, quy trình làm việc; rà soát, bổ sung quy tắc văn hóa công sở của quận. Thành lập một số tổ công tác chuyên môn cao để phục vụ điều hành của UBND như: Tổ tổng hợp, phân tích; Tổ phục vụ khởi kiện hành chính; Tổ kiểm tra công vụ. Đặc biệt, quận sẽ cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cấp trên.
Ngay từ đầu năm, từng CBCCVC, NLĐ xây dựng bản cam kết với các nội dung, tiêu chí cụ thể và tự giác thực hiện các nội dung đã cam kết. Ngoài ra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và DN. Giảm số lượng các cuộc họp, lồng ghép nhiều nội dung trong cùng một cuộc họp. Thực hiện đồng bộ có hiệu quả các biện pháp về cải cách TTHC, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, công khai đầy đủ các danh mục TTHC; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại UBND quận và UBND 11 phường. (Hồng Thái ghi) 

Ông Phan Khắc Dược - Tổ trưởng Tổ dân phố Liên Cơ, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm: Công dân hài lòng với “chính quyền thân thiện”
TP Hà Nội lựa chọn chủ đề công tác năm 2017 là "Năm kỷ cương hành chính", với quyết tâm tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính; nâng cao đạo đức công vụ… khiến người dân rất đồng tình. Bản thân tôi thấy hài lòng khi đến thực hiện TTHC tại phường Đại Mỗ và quận Nam Từ Liêm, thấy địa phương đang từng bước thực hiện mô hình “chính quyền thân thiện”. Với mục tiêu “Luôn làm người dân hài lòng khi nhận kết quả giải quyết TTHC”, trong thời gian qua, UBND phường Đại Mỗ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC. Đối với các thủ tục như: Đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký thường trú, xóa đăng ký thường trú…, người dân chúng tôi chỉ cần kê khai “Đăng ký qua mạng” và chỉ cần đến một lần để nhận kết quả thay vì phải đến nhiều cơ quan như trước đây. Thời gian giải quyết các thủ tục này cũng được rút ngắn tối đa.
Ngoài ra, người dân cũng rất phấn khởi khi UBND phường thực hiện việc gửi thư xin lỗi khi có hồ sơ trễ hẹn, khi cán bộ hướng dẫn người dân không đầy đủ, kịp thời để người dân phải đi lại nhiều lần. Việc làm này của UBND phường khiến chúng tôi cảm thấy chính quyền ngày càng gần gũi, thân thiện với Nhân dân. (Thái San ghi)